Là huyện thuần nông, thời gian qua, Thạnh Hóa đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để cân bằng giữa phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết về quá trình phấn đấu để trở thành huyện Nông thôn mới, mà đặc biệt là đối với việc duy trì và phát huy tiêu chí BVMT của địa phương hiện nay ra sao?
Ông Phạm Tùng Chinh:
Khi bắt đầu triển khai chương trình Nông thôn mới từ năm 2011 đến nay, huyện Thạnh Hóa đã xây dựng đạt 5 xã Nông thôn mới và 01 xã Nông thôn mới nâng cao. Để đạt xã Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp UBND các xã quan tâm thực hiện tốt tiêu chí môi trường như: tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh; trồng cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường; hướng dẫn các hộ dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt để giảm lượng rác phát sinh, thực hiện các giải pháp thu gom chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất để đạt tỷ lệ quy định và tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Trong phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới, huyện Thạnh Hóa đang xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các tiêu chí theo Quyết định 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện tiêu chí môi trường. Bởi vì, môi trường là không gian, là nơi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cuộc sống của người dân, mà mục tiêu xây dựng huyện Nông thôn mới cũng chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Và trong tiêu chí môi trường của huyện Nông thôn mới, địa phương rất quan tâm đến việc xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, vì hiện nay trên địa bàn huyện chưa có công trình nào. Cùng với đó, các ngành, các cấp của huyện cũng tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân để thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt tỷ lệ theo qui định, tức là phải đảm bảo ≥ 40%. Đồng thời tăng cường phát động trồng cây xanh để đảm bảo tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng tại các điểm dân cư nông thôn và tỷ lệ đất trồng cây xanh trong 02 cụm công nghiệp được quy hoạch của huyện đạt tỷ lệ ≥ 10%.
PV: Được biết, Thạnh Hóa là huyện chuyên về sản xuất nông nghiệp nên phát sinh vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật khá lớn, vậy địa phương có những biện pháp gì để hạn chế ô nhiễm xảy ra?
Ông Phạm Tùng Chinh:
Xác định nông nghiệp là trụ cột chính trong phát triển kinh tế địa phương, những năm qua, Thạnh Hóa luôn xác định sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh và tập trung lãnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất. Tổng diện tích gieo sạ lúa hàng năm của huyện trên 41.000 ha, tổng sản lượng đạt trên 230.000 tấn/ năm.
Hiện, huyện Thạnh Hóa đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, đồng thời gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước góp phần giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Tuy vậy, là huyện thuần nông nên sẽ phát sinh nhiều vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Để giảm thiểu ô nhiễm xảy ra, các cấp, các ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện điều tra khối lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trên địa bàn; cũng như xây dựng, bố trí gần 100 điểm tập kết rộng khắp để người dân bỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vào, đồng thời phát động các đợt thu gom xử lý theo qui định với khối lượng hàng năm đạt khoảng 1.700kg.
Ngoài ra, để nâng cao nhận thức và hành động cụ thể BVMT trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT; đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường theo quy định, nhất là tổ chức triển khai mô hình lưu giữ bao bì bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Qua đó, người dân tại địa phương đã dần thay đổi hướng sản xuất theo hướng gắn với BVMT như: thay đổi phương pháp canh tác, sản xuất an toàn; nhân rộng mô hình quản lý, sử dụng hiệu quả các loại chất thải trồng trọt, giảm ô nhiễm môi trường và tác động về sức khỏe nhằm bảo vệ bền vững môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển về kinh tế, xanh – sạch – đẹp.
Chính nhờ vào việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực sản xuất song song với BVMT, nên tình hình kinh tế – xã hội của huyện Thạnh Hóa thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt với việc đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giúp tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
PV: Còn đâu là nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo công tác BVMT của Thạnh Hóa trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Phạm Tùng Chinh:
Trước mắt, các cấp, các ngành trong huyện sẽ tập trung thực hiện các tiêu chí theo bộ tiêu chí huyện Nông thôn mới. Đây cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm để địa phương cân bằng giữa phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường song song với an sinh xã hội, phát triển bền vững. Đồng thời, ở giai đoạn 2021-2030, Thạnh Hóa có quy hoạch 02 cụm công nghiệp tại xã Thủy Đông và Tân Tây, huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng và lựa chọn phát triển các ngành nghề ít gây ô nhiễm môi trường.
Kế đến là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và người dân về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn mặn. Đặc biệt là tập trung triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải theo quy định; đẩy mạnh việc quản lý, kiểm soát và thực hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng có xả thải gây ô nhiễm môi trường; tập trung lãnh đạo vận động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại và xử lý rác thải trên địa bàn.
Đồng thời, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường, cải thiện khí hậu, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết, chuỗi giá trị; sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công tác BVMT.
Ngoài ra, nhằm tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, lãnh đạo UBND huyện Thạnh Hóa cũng đã khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tăng cường liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung vào ngành, lĩnh vực mà địa phương có tiềm năng. Đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tăng cường đầu tư phát triển các lĩnh vực, bảo đảm an sinh xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bạch Thanh (thực hiện) – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thanh-hoa-long-an-dam-bao-moi-truong-gan-voi-an-sinh-xa-hoi-373120.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam