Tuyên Quang: Chung tay bảo vệ môi trường đất

Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên đất, ngăn chặn các hành vi làm ô nhiễm môi trường đất.

Môi trường đất dễ bị ô nhiễm

Tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nhằm khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai. Trong đó, tỉnh hoàn thành khoanh vùng, phân bổ đất đai trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050; bảo vệ đất trồng lúa theo quy hoạch; quản lý chặt chẽ đất thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, khu di tích, danh thắng để bảo vệ cảnh quan môi trường.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng từng bước khắc phục trình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất, chống lãng phí tài nguyên đất như: Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; bố trí quỹ đất để quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung; có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh…

Đặc biệt, tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quy định giá dịch vụ và hình thức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng thông qua bán bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2025. Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 3 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt kết hợp sản xuất phân vi sinh.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh đã quan tâm thực hiện các phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, nhiều mô hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường nói chung, tài nguyên đất nói riêng đã được nhân rộng, phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được trên 2.000 mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, xây bể ủ rác hữu cơ, thu gom rác thải nhựa gây quỹ, bản đồ vệ sinh thôn bản, đồng ruộng sạch – sản xuất sạch…

Tuy nhiên với địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, quá trình xói mòn, bạc màu đất diễn ra nhanh chóng khiến việc sử dụng đất mất cân đối, bên cạnh đó, sức ép về dân số, tập quán canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế thói quen canh tác, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, không đúng quy trình. Cùng với đó, việc xử lý chất thải, nước thải tại các khu, cụm công nghiệp một số nơi chưa đảm bảo… Những nguyên nhân đó càng khiến nhiều vùng đất bị xói mòn, rửa trôi mạnh, đất bị suy thoái, bạc màu, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Môi trường đất đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm, khô cằn, hoang hóa.

Ông Giàng Xuân Dính – Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình cho biết: Xuân Lập là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức và trình độ dân trí không đồng đều. Trên địa bàn xã vẫn còn tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình, nước thải trong chăn nuôi vẫn chưa được xử ly đúng cách, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý đúng quy định. Mặc dù, cán bộ xã đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhưng chưa có nhiều chuyển biến. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường đất.

Triển khai nhiều giải pháp

Bàn về giải pháp bảo vệ môi trường đất, ông Đặng Minh Tơn – Phó Giám đốc Sở TN&MT Tuyên Quang cho rằng: Mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường đất. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân phải có hành động cụ thể, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm, hành động. Đồng thời thực hiện hiệu quả phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải, chống rác thải nhựa” từ mỗi khu dân cư. Người dân cần thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày, tích cực sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, xây bể xử lý rác tại gia đình. Các tổ chức chính trị – xã hội cần nhân rộng các mô hình phân loại, thu gom rác thải.

Tuyên Quang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường đất

Thích ứng biến đổi khí hậu được xem là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài. Theo đó, tỉnh đã xây dựng Đề án đánh giá khí hậu tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tăng cường kiểm soát hoạt động đánh giá tác động môi trường, hoạt động khoa học công nghệ đối với các dự án mới nhằm hạn chế các công nghệ lạc hậu, phát thải cao. Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, góp phần chống xòi mòn, rửa trôi đất; thực hiện điều tra, đánh giá suy thoái đất nhằm cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất.

Ông Nguyễn Thành Long – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng phân bón hữu cơ theo Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, phân bón kém chất lượng… Từ đó, giúp người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, góp phần giảm thiểu tác động không tốt đến môi trường sinh thái nói chung và môi trường đất nói riêng.

Thanh Ngà – Thủy Châu – Báo TN&MT

Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tuyen-quang-chung-tay-bao-ve-moi-truong-dat-375744.html

Tin cùng chuyên mục: