Quảng Bình là một trong các địa phương thường xuyên hứng chịu các loại hình thiên tai với tần suất và mức độ lớn nhất trong cả nước: Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại.
Trong bối cảnh đó, Quảng Bình đang khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2025 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Tần suất và mức độ thiên tai lớn
Báo cáo “Đánh giá tác động, tính dễ tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” cho thấy, những năm gần đây, BĐKH ảnh hưởng làm cho bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng gia tăng về tần suất, cường độ và quỹ đạo di chuyển phức tạp hơn.
Cùng với gia tăng bão và áp thấp nhiệt đới, theo PGS, TS. Doãn Hà Phong – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường (Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu), với Quảng Bình, ngập lụt do nước biển dâng cũng là một nguy cơ đáng báo động. Theo đó, dự báo nếu nước biển dâng 15cm theo kịch bản RCP4.5 giai đoạn 2016 – 2035 sẽ có gần 10,4 nghìn ha đất bị ngập. Nước biển dâng 25cm theo kịch bản RCP4.5 giai đoạn 2046 – 2065 có gần 11,4 nghìn ha đất bị ngập; nước biển dâng gây vượt tràn qua khỏi đập, gây ngập diện tích trồng lúa và các hoạt động nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh có 914 nhà bị ngập; 8.300 chiều dài kênh mương, 2.400m đê bị sạt lở, cuốn trôi; 2 hồ chứa nước bị hư hỏng; 15.348m chiều dài đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã bị sạt lở. Nông nghiệp là một trong những ngành bị tác động nghiêm trọng nhất do BĐKH. Năm 2022 đã có 9.380ha lúa và 557ha hoa màu bị ngập và thiệt hại; 917ha cá lúa và 62 lồng bè bị cuốn trôi. Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ khoảng 286,7 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Lương – Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Bình khẳng định, BĐKH là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà tỉnh Quảng Bình phải đối mặt trong thời gian qua. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, diễn biến thời tiết, thiên tai chịu ảnh hưởng không nhỏ của BĐKH nên khó nắm bắt hơn. BĐKH đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên, các lĩnh vực kinh tế – xã hội và đời sống, sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng kế hoạch ứng phó
Tỉnh Quảng Bình đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng GRDP bình quân từ 8,4 – 8,8%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 145 – 150 triệu đồng. Tổng số khách du lịch đến Quảng Bình khoảng 10 triệu lượt khách. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 0,6%/năm. Đến năm 2030, dân số tỉnh đạt khoảng 960 nghìn người, giữ ổn định độ che phủ rừng khoảng 68%, tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính khoảng 7,3%…
Để chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH, góp phần đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đã tích cực tham gia và đề xuất các hoạt động, dự án ứng phó với BĐKH. Đặc biệt, hiện Quảng Bình đang đẩy nhanh tiến độ cập nhật thông tin phục vụ xây dựng, hoàn thiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2025 – 2030, định hướng năm 2050, mục tiêu là điều tra, đánh giá kế hoạch hành động ứng phó. Tỉnh đã ban hành văn bản đề xuất cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH cho tỉnh; hỗ trợ tỉnh phát triển bền vững; phòng, tránh và giảm thiểu những hiểm họa do BĐKH đem lại và bảo vệ cuộc sống của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Lành – Phó Trưởng phòng Khoáng sản và Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT Quảng Bình) cho biết, có 3 nhóm nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch hành động. Một là tuyên truyền, phổ biến, tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, với các giải pháp như: Tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về BĐKH tới cấp huyện, xã; tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số nhằm hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống giám sát BĐKH, cơ sở dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, phát triển dịch vụ khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi xanh; ứng dụng dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ giám sát phát thải khí nhà kính.
Nhiệm vụ thứ hai là chủ động thích ứng với BĐKH trong giai đoạn mới, với các giải pháp như: Tập trung phát triển hạ tầng thích ứng với BĐKH, hoàn thành một số công trình hạ tầng trọng yếu; ứng dụng công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu; sử dụng kết hợp công nghệ khử muối với công nghệ năng lượng xanh để vận hành các nhà máy sản xuất nước; xây dựng quy hoạch các công trình trữ nước ngọt, xây dựng hệ thống kênh mương nhằm phân phối nước ngọt giữa các vùng một cách hợp lý; bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường.
Nhiệm vụ ưu tiên thứ 3 là tích cực thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng, với các giải pháp như: Hỗ trợ triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính tại các cơ sở phát thải, thúc đẩy các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng ít phát thải, phát triển đô thị xanh, các công trình xanh, phát thải các-bon thấp; hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo; lưu trữ năng lượng và phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng các-bon; tăng cường điện khí hóa và sử dụng hiệu quả năng lượng trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải.
Việc cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2025 – 2030 sẽ góp phần triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của BĐKH. Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế vùng, miền; bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề.
Thanh Tùng – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-binh-ung-pho-bdkh-khan-truong-hoan-thien-ke-hoach-hanh-dong-367897.html
Tin cùng chuyên mục:
Thông tin tiếp về việc Hồ thủy điện Thác Giềng 1 “đầy rác”: Kiểm tra, chấn chỉnh chủ đầu tư!
Quảng Nam: 25 doanh nghiệp du lịch đạt chứng nhận du lịch xanh
Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Hướng tới sự phát triển bền vững
Lạng Sơn: Chủ động ứng phó sự cố môi trường
Chung tay, góp sức vì môi trường xanh, bền vững
Cần Thơ: Thu gom, xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường
Gần 18.000 tỷ đồng giúp 10 tỉnh miền Tây ứng phó biến đổi khí hậu
Điện Biên: Mặt trận Tổ quốc các cấp chung tay bảo vệ môi trường
Thúc đẩy tái chế chất thải tại Việt Nam
Nghiên cứu khả năng ứng dụng vật liệu xây dựng mới bảo vệ môi trường
Lào Cai: Tìm giải pháp xử lý rác thải thành thị và nông thôn
Đồng Nai: Triển khai thực hiện các hợp phần của Đề án giảm thiểu khí các-bon
Yên Bái xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải
Nghệ An: Chỉ đạo thực hiện loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính
Hà Nội: Bắt quả tang cơ sở san, chiết, nạp LPG trái phép
TP.HCM thu gom và xử lý 100% rác thải sinh hoạt