Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385km, vùng biển rộng với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ; nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh; nhiều bãi tắm đẹp… đã đem lại cho tỉnh Khánh Hòa tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang phải đối mặt với những tác động khó lường của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Ngoài TP. Nha Trang là đô thị trung tâm còn có 2 khu vực được chọn làm đô thị vệ tinh là Bắc bán đảo Cam Ranh với 45 dự án và thị xã Ninh Hòa với các khu đô thị ven biển thuộc các phường Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải. Ngoài ra, các khu vực ven biển khác như Cam Ranh, Vạn Ninh, Cam Lâm đang có tốc độ đô thị hóa cao dự kiến sẽ trở thành các đô thị vệ tinh trong tương lai.
Tuy nhiên, việc đô thị hóa nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng sinh thái: tài nguyên đất bị tận dụng khai thác để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập; nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên nước…
Theo báo cáo UBND tỉnh, hiện nay, trong quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, tỉnh đã lồng ghép các biện pháp ứng phó BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực ở cấp tỉnh, cấp huyện một cách hiệu quả. Đề ra các nội dung và phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho sở, ban, ngành đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch về bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế BĐKH như: hạn chế cấp phép đầu tư đối với các dự án tiêu tốn năng lượng, phát thải khí nhà kính; Kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo cơ chế sạch, khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch (năng lượng điện gió, mặt trời, thủy điện), phục hồi rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học…
Bên cạnh đó, các biện pháp công trình khác như: xây kè, hồ chứa nước, cột mốc báo lũ, xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt…; các dự án triển khai xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án Nha Trang, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Cùng với đó, trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và lập chương trình phát triển đô thị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá thực trạng phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh trong tương lai; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp gắn với tăng trưởng xanh tại các đô thị.
Cùng với đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định số 3378/QĐ-UBND ngày 08/10/2021 về việc ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025. Kế hoạch được ban hành với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, từng bước hướng đến nền kinh tế xanh, thực hiện tăng trưởng xanh. Sử dụng hiệu quả, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, chủ động phòng ngừa và kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm suy thoái môi trường.
Nâng cao năng lực quản lý môi trường, quan trắc môi trường, huy động nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường, đẩy mạnh kiểm tra giám sát công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở. Từng bước thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất và phát triển công nghệ môi trường, hạn chế phát triển mới và có lộ trình giảm dần các hoạt động kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Vừa qua, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo báo chí tỉnh Khánh Hòa lần thứ 10, năm 2023 với chủ đề: Vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế, xã hội. Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội viên, phóng viên tham dự. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề về bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên biển hiện nay; chủ động thích ứng với BĐKH của các địa phương; phát triển kinh tế, xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đề cập đến vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH, cũng như thực trạng còn có nhiều bất cập trong việc khai thác tài nguyên biển, tài nguyên thiên nhiên…
BĐKH không chỉ là vấn đề của một tỉnh, thành mà là trách nhiệm chung. Ở Khánh Hòa, việc đối phó với BĐKH đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, cộng đồng địa phương và các tổ chức quốc tế. Chỉ thông qua những nỗ lực chung, Khánh Hòa mới có thể bảo vệ được vẻ đẹp tự nhiên của mình và tạo điều kiện sống tốt cho những thế hệ kế tiếp.
Đỗ Vương – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/khanh-hoa-ung-pho-bien-doi-khi-hau-giam-thieu-toi-da-tac-dong-tieu-cuc-365457.html
Tin cùng chuyên mục:
Thông tin tiếp về việc Hồ thủy điện Thác Giềng 1 “đầy rác”: Kiểm tra, chấn chỉnh chủ đầu tư!
Quảng Nam: 25 doanh nghiệp du lịch đạt chứng nhận du lịch xanh
Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Hướng tới sự phát triển bền vững
Lạng Sơn: Chủ động ứng phó sự cố môi trường
Chung tay, góp sức vì môi trường xanh, bền vững
Cần Thơ: Thu gom, xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường
Gần 18.000 tỷ đồng giúp 10 tỉnh miền Tây ứng phó biến đổi khí hậu
Điện Biên: Mặt trận Tổ quốc các cấp chung tay bảo vệ môi trường
Thúc đẩy tái chế chất thải tại Việt Nam
Nghiên cứu khả năng ứng dụng vật liệu xây dựng mới bảo vệ môi trường
Lào Cai: Tìm giải pháp xử lý rác thải thành thị và nông thôn
Đồng Nai: Triển khai thực hiện các hợp phần của Đề án giảm thiểu khí các-bon
Yên Bái xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải
Nghệ An: Chỉ đạo thực hiện loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính
Hà Nội: Bắt quả tang cơ sở san, chiết, nạp LPG trái phép
TP.HCM thu gom và xử lý 100% rác thải sinh hoạt