Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường có thể xảy ra và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030. UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Công văn số 1239/UBND-KTN về tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2024.
Theo đó UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn. Theo chức năng, phạm vi, địa bàn quản lý nhà nước chỉ đạo rà soát, đánh giá, dự báo các sự cố, rủi do về môi trường do thiên tai có thể xảy ra; chủ động xây dựng các phương án, nguồn lực (ưu tiên nguồn lực tại chỗ) để ứng phó các sự cố môi trường do thiên tai, tai biến địa chất có thể xảy ra đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật về cấp, thoát nước; các công trình về xây dựng, giao thông, nhất là các công trình đang thi công; công trình hồ, đập thủy điện, thủy lợi; các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tập trung rà soát các kho chứa hóa chất, kho chứa xăng dầu, các công trình điện, công trình xử lý nước thải tập trung, công trình xử lý chất thải…
Cần ưu tiên bảo vệ các nguồn nước phục vụ sinh hoạt; thường xuyên theo dõi diễn biến về lượng mưa, thủy văn, các dạng hình thái thời tiết phức tạp để có các biện pháp thông báo, điều tiết kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp. Chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp huyện theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và khoản 2 Điều 109 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.
Đề nghị các cơ sở, doanh nghiệp có hồ chứa chất thải, nước thải hoặc các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hóa chất… chủ động thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Trong đó tăng cường công tác rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các khu vực trên để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão, lũ lụt gây ra.
Nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải có thể xảy ra khi trời mưa. Tăng cường kiểm tra các hồ chứa chất thải hoặc các bãi lưu giữ chất thải đặc biệt các bãi thải, hồ chứa quặng đuôi của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, cơ sở sản xuất phân bón, hoá chất và cơ sở xử lý chất thải; hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện có nguy cơ sạt lở hoặc vỡ đập do mưa lớn, lũ lụt.
Đầu tư công trình, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; xây dựng, huấn luyện lực lượng tại chỗ cho ứng phó sự cố môi trường; kịp thời thông tin về sự cố môi trường đến các cơ quan có thẩm quyền và thực hiện tổ chức ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tình hình mưa bão, lũ lụt để xả thải các chất thải chưa qua xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trường hợp xảy ra sự cố, tổ chức thực hiện ứng phó và kịp thời thông tin, báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đề nghị các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực có liên quan, nhất là các quy định về bảo vệ môi trường, phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hoặc xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch ứng phó sự có môi trường nếu xảy ra trên địa bàn tỉnh; trong đó quy định cụ thể việc ứng phó, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường cấp tỉnh. Đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 10/8/2024.
– Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/hoa-binh-tang-cuong-phong-ngua-ung-pho-cac-su-co-moi-truong-mua-mua-bao-377590.html
Tin cùng chuyên mục:
Thông tin tiếp về việc Hồ thủy điện Thác Giềng 1 “đầy rác”: Kiểm tra, chấn chỉnh chủ đầu tư!
Quảng Nam: 25 doanh nghiệp du lịch đạt chứng nhận du lịch xanh
Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Hướng tới sự phát triển bền vững
Lạng Sơn: Chủ động ứng phó sự cố môi trường
Chung tay, góp sức vì môi trường xanh, bền vững
Cần Thơ: Thu gom, xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường
Gần 18.000 tỷ đồng giúp 10 tỉnh miền Tây ứng phó biến đổi khí hậu
Điện Biên: Mặt trận Tổ quốc các cấp chung tay bảo vệ môi trường
Thúc đẩy tái chế chất thải tại Việt Nam
Nghiên cứu khả năng ứng dụng vật liệu xây dựng mới bảo vệ môi trường
Lào Cai: Tìm giải pháp xử lý rác thải thành thị và nông thôn
Đồng Nai: Triển khai thực hiện các hợp phần của Đề án giảm thiểu khí các-bon
Yên Bái xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải
Nghệ An: Chỉ đạo thực hiện loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính
Hà Nội: Bắt quả tang cơ sở san, chiết, nạp LPG trái phép
TP.HCM thu gom và xử lý 100% rác thải sinh hoạt