Sở TN&MT Bình Thuận đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xác định nguyên nhân
Trong thời gian qua, để tăng cường trách nhiệm của Sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về BVMT trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, Sở TN&MT Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận ban hành các văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, nội dung công việc theo Công văn số 574/UBND-KT ngày 20/02/2020 về tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải trong khu dân cư, rác trên sông và rác ở khu vực ven biển; Công văn số 629/UBND-KT ngày 23/02/2021 của UBND tỉnh Bình Thuận về triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn,… Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã có Công văn số 4955/STNMT-CCBVMT ngày 30/10/2019 đề nghị, hướng dẫn Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện một số nội dung trong công tác quản lý và BVMT nông thôn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 629/UBND-KT ngày 23/02/2021, Sở NN&PTNT đã ban hành các văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xử lý các chất thải phát sinh trong ngành nông nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong công tác BVMT; đồng thời, Sở TN&MT Bình Thuận cũng đã thường xuyên phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn về BVMT trong kinh doanh phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cho người dân…
Tuy nhiên, đến nay, tình trạng vứt bỏ chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bóng đèn huỳnh quang thải vẫn còn tiếp diễn. Nguyên nhân do ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng vứt bỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV, bóng đèn sợi đốt, bóng đèn huỳnh quang thải – đối với nhà vườn thanh long, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Hiện nay, việc bố trí các bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và việc quản lý, chuyển giao, xử lý đối với loại rác thải này tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; nguồn kinh phí cấp cho các địa phương để quản lý chất thải, trong đó, có hoạt động thu gom, chuyển giao, xử lý chất thải nông nghiệp hàng năm chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT đặt ra.
Mới đây, Sở TN&MT Bình Thuận đã đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Bắc, UBND huyện Hàm Thuận Nam khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND xã Hàm Hiệp và UBND xã Hàm Mỹ rà soát dọc các tuyến đường theo như phản ánh của cơ quan báo chí và các khu vực khác trên địa bàn quản lý để tổ chức thu dọn, làm sạch các khu vực có phát sinh bóng đèn huỳnh quang thải để khắc phục tình hình ô nhiễm môi trường; đồng thời, bố trí khu vực lưu chứa tạm thời và hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để chuyển giao, xử lý theo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bỏ rác đúng nơi quy định của người dân, đặc biệt là các bao gói thuốc BVTV và bóng đèn huỳnh quang chong thanh long thải để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định.
Biện pháp xử lý
Trong thời gian tới, để quản lý có hiệu quả đối với các bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải bỏ sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp, Sở TN&MT vừa mới có Văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Sở TN&MT Bình Thuận có trách nhiệm hướng dẫn việc xử lý bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, Sở TN&MT lồng ghép nội dung yêu cầu về thu gom, chuyển giao, xử lý bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp phải đáp ứng các quy định về BVMT trong quá trình thẩm định, công nhận tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu được giao phụ trách.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận tuyên truyền, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; lồng ghép nội dung yêu cầu về BVMT trong quá trình đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận cân đối, bố trí kinh phí cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp theo đúng quy định.
Song song đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố thì tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV, bóng đèn chong thanh long phải thực hiện thu gom vào bể chứa do địa phương bố trí và thực hiện các quy định của pháp luật liên quan, không tự ý đốt, chôn, xả thải ra sông, suối, ao hồ, đường làng…, gây ô nhiễm môi trường; quản lý việc thu gom, chuyển giao, xử lý bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải trong hoạt động nông nghiệp; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.
Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch, dự toán kinh phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp hàng năm để tổ chức thực hiện; chỉ đạo cấp xã triển khai công tác thu gom, chuyển giao, xử lý bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp đáp ứng các quy định về BVMT; xem đây là một trong những tiêu chí trong quá trình xem xét, công nhận tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu…
Tường Tú – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-thuan-tang-cuong-bao-ve-moi-truong-trong-hoat-dong-nong-nghiep-371898.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam