Ngày 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký ban hành công văn gửi các sở, ngành và địa phương về việc tăng cường thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường nước sông Sa Lung, huyện Vĩnh Linh.
Cụ thể, thời gian qua các hộ dân ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đã có đơn kiến nghị về ô nhiễm môi trường ở sông Sa Lung. Gần đây nhất, ngày 5/9, theo phản ánh của một số người dân, đập Sa Lung (ở thượng nguồn sông Sa Lung) xả nước định kỳ hàng năm, có mùi khó chịu. UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu, Công an tỉnh thành lập tổ công tác và tổ chức thực hiện chuyên đề để trinh sát thường xuyên, đấu tranh phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đặc biệt là hành vi xả nước thải trái pháp luật vào môi trường, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Quảng Trị trước ngày 20/9.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Công an tỉnh, tăng cường kiểm tra xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Sa Lung, thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về môi trường, báo cáo kết quả về UBND tỉnh Quảng Trị trước ngày 20/9.
UBND huyện Vĩnh Linh thành lập các tổ giám sát cộng đồng tại các khu vực thuộc lưu vực sông Sa Lung, đặc biệt là ở các địa phương có cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm theo dõi, giám sát chặt chẽ, phát hiện và báo cáo kịp thời hiện tượng bất thường có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các ngành liên quan có phương án và giải pháp để giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường trên sông Sa Lung trước ngày 25/9.
Như phóng viên TTXVN đã thông tin ngày 11/9, thời gian qua người dân xã Vĩnh Sơn phản ánh về việc nguồn nước trên sông Sa Lung có màu đen, bốc mùi hôi ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi trồng thủy sản. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, qua 4 đợt lấy mẫu (trong tháng 7 và 8/2023) quan trắc nguồn nước thượng lưu đập Sa Lung, kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy: Nồng độ ô xy hoà tan tầng giữa, tầng đáy thấp và nguồn nước bị ô nhiễm vi sinh vật vượt giới hạn nhiều lần theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiêu chuẩn nước mặt (QCVN 08 -MT: 2015/BTNMT); không đáp ứng mục đích cấp nước sinh hoạt và bảo tồn động thực vật thủy sinh; không đáp ứng mục đích tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự.
Trước đó vào tháng 4 và 5/2023, khoảng 170 ha ao, hồ nuôi tôm lấy nước từ sông Sa Lung ở xã Vĩnh Sơn bị chết hàng loạt, khiến người dân gặp khó khăn. Tháng 4/2023, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra chất lượng nguồn nước mặt sông Sa Lung liên quan đến việc nguồn nước phục vụ vùng nuôi tôm ở huyện Vĩnh Linh có dấu hiệu bị ô nhiễm. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy 3/5 mẫu nước có các thông số vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT.
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam