Lốp ô tô, xe máy cũ được coi là chất thải nguy hại nếu đốt và phát tán ra môi trường không khí. Trong những năm gần đây, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi (HTX Thắng Lợi) đóng tại Khu công nghiệp phía Nam, TP. Yên Bái đã thu mua và tái chế toàn bộ lốp ô tô, xe máy cũ trên địa bàn toàn tỉnh và một số tỉnh lân cận để sản xuất ra một số sản phẩm có ích, chủ yếu là dầu FO-R.
Tái chế thành nhiều sản phẩm có ích
Với công nghệ nhiệt phân lốp xe ô tô, xe máy đã qua sử dụng trở thành dầu FO-R, sắt, than và khí gas mới chỉ xuất hiện ở nước ta vài năm trở lại đây. Tại tỉnh Yên Bái, HTX Thắng Lợi là đơn vị đầu tiên mạnh dạn đưa dây chuyền sản xuất dầu FO-R vào sản xuất.
Chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT, ông Nguyễn Hữu Ký – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi chia sẻ: “ Hiện nay lượng cao su phế thải từ lốp xe thải ra ngày càng nhiều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nguyên liệu than đá, điện, dầu diesel gần đây tăng rất cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu rẻ hơn, an toàn hơn để phục vụ quá trình sản xuất. Từ những suy nghĩ đó, tôi đã quyết tâm xây dựng dây chuyền sản xuất dầu nhiệt phân từ phế thải cao su”.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng dây chuyền sản xuất, ông Nguyễn Hữu Ký cho biết: Từ năm 2019, ông Ký cùng một số thành viên của HTX đã đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh như: Bình Dương, Ninh Bình, Đắk Lắk… Sau 2 năm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, HTX đã mạnh dạn đầu tư Nhà máy sản xuất dầu FO-R với diện tích 10.000m2, vốn đầu tư tới thời điểm hiện tại gần 100 tỷ được huy động từ các thành viên của HTX.
Hiện nay với công suất nhà máy 12.000 tấn/ năm đã cung cấp cho thị trường 700 tấn/ năm với các sản phẩm là than, sắt, khí gas và chủ yếu là dầu FO-R. Dầu FO-R thích hợp làm nhiên liệu đốt lò cho các lĩnh vực sản xuất như: Trạm trộn, lò hơi, bê tông nhựa nóng, sản xuất kính, thủy tinh, nung gốm sứ, nấu đồng và nhôm…; than các-bon đen cũng được xuất bán cho các nhà máy, còn khí gas sinh ra trong quá trình nhiệt phân đưa vào hệ thống tích áp dùng lại cho lò nhiệt phân phục vụ cho dây chuyền sản xuất.
Đến nay, nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo quyền lợi và chế độ cho gần 30 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy với mức thu nhập từ 9 – 16 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2022, HTX đã nộp ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Hiện dầu FO-R của HTX có giá bán 10.000 đồng/lít, thị trường chủ yếu trong tỉnh và một số tình lân cận, ra tới đâu hết tới đó.
Hạn chế được chất thải ra môi trường
Dây chuyền sản xuất dầu FO-R là một quy trình xử lý khép kín, không gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm đầu ra được sử dụng triệt để.
Công nghệ nhiệt phân không phát tán bụi ra môi trường xung quanh, ít khói so với đốt dầu diesel và mùi khét của cao su gần như được khống chế do quá trình nhiệt phân cao su phế thải đều trong môi trường chân không.
Ông Hà Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết, trước khi nhà máy đi vào hoạt động Sở TN&MT đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường của đơn vị. Qua kiểm tra nhà máy đã đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo theo báo cáo tác động môi trường được phê duyệt. Đồng thời, nhà máy đã thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo quy định các thông số như: Khí thải, bụi…tất cả các thông số này đều nằm trong giới hạn cho phép.
Nhà máy sản xuất dầu FO-R của HTX Thắng Lợi sử dụng công nghệ tiên tiến của nước Đức. Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, mọi chỉ số về môi trường đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Sản phẩm dầu FO-R không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần tái chế lốp ô tô, xe máy cũ với số lượng lớn hơn chục tấn/năm để tạo sản phẩm có ích.
Thanh Ngà – Báo Tài nguyên và Môi trường
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/yen-bai-tai-che-lop-o-to-xe-may-cu-thanh-cac-san-pham-co-ich-352436.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam