Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khi vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho lĩnh vực này chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh để thực hiện các mục tiêu ứng phó hiệu quả, ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040.

Nhu cầu tài chính rất lớn

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết mặc dù hầu hết các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu được nghị quyết đề ra đều đã đạt được và có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Đơn cử như công tác tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù hoạt động này đã được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính.

Việc triển khai các quy định ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chưa được triển khai mạnh mẽ ở địa phương; chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn thiếu, cơ sở vật chất và trang thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn còn chưa đồng bộ, số lượng trạm quan trắc chưa được tự động hóa vẫn còn nhiều (khoảng 60-70%).

Đáng chú ý, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai còn chưa đáp ứng yêu cầu đối với một số loại hình thiên tai như lũ quét, lũ ống, sạt lở, dông, lốc, mưa đá và sương mù trên biển.

Năng lực dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu đối với một số loại hình thiên tai

Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai và các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu cũng chưa phù hợp với đặc thù về kinh tế-xã hội tại một số cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, công tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mới chỉ tập trung ở cấp trung ương thông qua việc xây dựng, ban hành chính sách của các bộ, ngành; chưa phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, thúc đẩy các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn.

Trong khi đó, nhu cầu tài chính để thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam là rất lớn.

“Ước tính, Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 để ứng phó (xấp xỉ 6,8% GDP hằng năm), trong khi vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD,” đại diện Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh.

Cần sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Do vậy, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để ứng với biến đổi khí hậu đạt hiệu quả, theo Cục Biến đổi khí hậu, hoạt động này cần được ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân; ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, mỗi người dân và toàn xã hội.

Trên tinh thần đó, Cục Biến đổi khí hậu đề xuất thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về biến đổi khí hậu; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và hướng dẫn các địa phương, cơ sở triển khai thực hiện các quy định về giảm phát thải khí nhà kính; nghiên cứu xây dựng dự án Luật Biến đổi khí hậu.

Nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với các thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng phòng chống thiên tai của đất nước, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương cao như vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven biển miền Trung, miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, phía Cục Biến đổi khí hậu cũng đề xuất thực hiện giảm phát thải khí nhà kính phục vụ chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế cácbon thấp, kiểm soát tốt nguồn phát thải khí nhà kính lớn trên phạm vi toàn quốc; thiết lập, vận hành hiệu quả thị trường cácbon trong nước và kết nối thị trường cácbon khu vực và thế giới.

Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cần huy động sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp vào các hoạt động thích ứng, các dự án đầu tư chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ cácbon thấp, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Cùng với các giải pháp ở trong nước, thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ các hợp tác song phương và đa phương cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo vietnamplus.vn

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-can-khoang-400-ty-usd-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/886272.vnp

Tin cùng chuyên mục: