Để tiếp tục hạn chế tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, TP.HCM sẽ tiến hành song song các giải pháp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng và mạnh tay xử lý các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.
Xử lý nhiều trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn
Thời gian qua, trước tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, TP.HCM còn chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn, đặc biệt là tiếng ồn trong khu dân cư.
Để kịp thời ghi nhận, giải quyết phản ánh của người dân địa phương về tình trạng gây tiếng ồn tại các khu dân cư…, TP.HCM cũng đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về tiếng ồn để kịp thời xử lý như Tổng đài 1022; đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Sở TN&MT TP.HCM (số điện thoại 028.38290568); đường dây nóng, Cổng thông tin điện tử, các ứng dụng mạng xã hội của quận, huyện, phường, xã, thị trấn, hệ thống mặt trận các cấp…
Ông Thái Hoàng Vũ – Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, Cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận 11.115 tin phản ánh về tiếng ồn, ít hơn 600 tin nhắn so với số tin phản ánh trong 8 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, trung bình các tin nhắn báo cáo tình trạng trên rơi vào cuối tuần cao hơn 1,4 lần so với các ngày trong tuần; vào buổi tối 18h – 22h, cao gấp 3,1 lần và từ 22h đến sáng nhiều hơn 1,5 lần so với khung giờ ban ngày.
Theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, năm 2022, Cơ quan liên ngành đã kiểm tra và phát hiện 8.679 trường hợp vi phạm về tiếng ồn trong các khu đô thị, trong đó, cơ quan liên ngành đã nhắc nhở hơn 8.500 trường hợp và xử phạt 135 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 420 triệu đồng. Từ tháng 11/2022 đến tháng 8/2023, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao cùng các Đoàn liên ngành cũng đã kiểm tra 72 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa xã hội (karaoke, quán bar, vũ trường…) và xử phạt hành chính gần 1,6 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thái Hoàng Vũ, hiện nay, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn căn cứ vào Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, đối với tiếng ồn cố định trong phạm vi cố định, không gian kín mà có thể đo đạc được thì sẽ bị phạt cảnh cáo đến phạt tiền 160 triệu đồng với cá nhân và 320 triệu đồng với tổ chức; đồng thời, các cơ sở gây ồn sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 3 – 6 tháng hoặc từ 6 – 12 tháng tùy mức độ ảnh hưởng đến địa phương.
Đối với hành vi gây ồn trong không gian mở, gồm 3 hành vi phổ biến như: tụ tập nhiều người gây mất trật tự bị phạt 1 – 2 triệu đồng; gây ồn huyên náo trong khung giờ 22h – 8h bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; hoặc dùng loa phóng thanh, chiêng trống, thổi kèn cổ động tại những nơi không cho phép sẽ bị phạt 1 – 2 triệu đồng.
Thượng tá Trần Văn Phước – Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM cho biết, hiện tại, công an cấp phường, xã được trực tiếp xử lý các vi phạm về tiếng ồn. Tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức, lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các vấn đề trật tự xã hội phát ra tiếng ồn, gồm các hoạt động kinh doanh gây ồn ào, nhất là việc người dân sử dụng loa kẹo kéo, các loại thiết bị phát thanh công suất lớn để hát karaoke trong khu dân cư.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Thời gian qua, bên cạnh việc xử lý các hành vi gây ồn trong khu dân cư, các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, các cơ sở kinh doanh. Đến nay, các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và các tổ chức thành viên đều đã có kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm tiếng ồn, các quy định của pháp luật về xử lý tiếng ồn…; đồng thời, các địa phương cũng đã thực hiện rà soát, lập danh sách các cá nhân, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ… có sử dụng thiết bị phát âm thanh gây tiếng ồn, huyên náo, lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, gây mất an ninh trật tự để tiến hành yêu cầu ký cam kết chấp hành các quy định về tiếng ồn.
Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM Thái Hoàng Vũ cho hay, nhằm nâng cao ý thức của người dân, Sở TN&MT đã triển khai xây dựng và phổ biến tài liệu hỗ trợ truyền thông “Vấn nạn tiếng ồn và hành động của chúng ta”; đôn đốc và triển khai biểu mẫu thống kê báo cáo công tác tuyên truyền và xử lý tiếng ồn tại các địa phương.
Tương tự, theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đến nay, Sở này cũng đã ban hành bộ tài liệu về ứng xử văn hóa có các nội dung như: trong đám hiếu hỷ cần hạn chế tối đa loa đài công suất lớn, khi tham gia giao thông thì hạn chế bấm còi không cần thiết, khi ở nơi công cộng thì không nên sử dụng loa ngoài điện thoại…
Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM còn tăng cường chỉ đạo tuyên truyền về tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư trên các màn hình quảng cáo điện tử và các phương tiện quảng cáo khác nơi công cộng, trên các trang thông tin điện tử, bản tin tuyên truyền của quận, huyện và phường, xã, thị trấn; tổ chức lồng ghép nội dung truyền thông qua việc tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền cổ động, các đợt sinh hoạt của các đoàn thể tại các địa phương.
Nguyễn Thanh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tp-ho-chi-minh-manh-tay-xu-ly-o-nhiem-tieng-on-364676.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam