Đây là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM tại lễ khởi công Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa (giai đoạn 1), sáng ngày 20/7.
Tham dự lễ khởi công có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM…
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được xử lý bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.
Để hoàn thành mục tiêu này, TP.HCM đã kiến nghị và được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù về đặt hàng bổ sung khối lượng CTRSH (tại Nghị quyết số 98). Tiếp đó, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 28 ngày 08/12/2023 để khuyến khích các nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý CTRSH nâng công suất và chuyển đổi công nghệ xử lý sang công nghệ đốt phát điện.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm của những doanh nghiệp đang xử lý CTRSH theo hướng phát triển bền vững.
“Sau sự kiện này sẽ tiếp tục có thêm các doanh nghiệp chung tay cùng với chính quyền thành phố ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý, tái chế rác thải kết hợp thu hồi năng lượng. Từ đó, TP.HCM sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu xử lý CTRSH bằng công nghệ thu hồi năng lượng đạt 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.” – Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng kỳ vọng.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital, Tổng Giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa cho biết: Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được được xây dựng trên diện tích 20 ha tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (Củ Chi), chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025 có tổng vốn đầu tư là 6.400 tỷ đồng, công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày.
Công suất phát điện của Nhà máy đạt 60MW/ngày, với sản lượng điện phát lên lưới dự kiến lên đến 365 triệu kWh/năm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khoảng 100.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm.
Về công nghệ, Nhà máy sử dụng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll, được đánh giá hiện đại bậc nhất hiện nay, đang được sử dụng tại nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất…Đặc biệt, công nghệ này phù hợp với rác thải sinh hoạt tại Việt Nam đa phần chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp.
Với công nghệ này, lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác có thể sản xuất thành vật liệu xây dựng. Nước thải sẽ được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc trong nhà máy. Khí thải và tro bay sản sinh ra trong quá trình đốt rác được xử lý bằng công nghệ hiện đại, ưu việt hơn tiêu chuẩn xử lý EURO 2010, đảm bảo không gây ra mùi hôi hay ô nhiễm không khí khi thải ra môi trường.
Ông Phạm Minh Tuấn cũng cho biết, Công ty sẽ dồn lực để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành Nhà máy vào cuối năm 2025 để góp phần hoàn thành mục tiêu xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện của thành phố.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa là một trong những dự án đầu tiên được thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM. Đây là nỗ lực của toàn hệ thống chính trị thành phố trong việc vận dụng linh hoạt chính sách để hoàn thành chỉ tiêu xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện.
Ông Bùi Xuân Cường cũng đề nghị Công ty Tâm Sinh Nghĩa triển khai xây dựng dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn.
Nguyễn Quỳnh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tp-hcm-se-som-dat-muc-tieu-80-rac-thai-duoc-xu-ly-bang-cong-nghe-dot-phat-dien-376984.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam