TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”. Để triển khai hiệu quả Cuộc vận động, TP.HCM sẽ tổ chức 2 cuộc giám sát trong năm 2023.
Không còn điểm đen ô nhiễm rác thải
TP.HCM đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tiếp tục thực hiện và duy trì 100% phường – xã – thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn để tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường và lắng nghe góp ý, hiến kế trong công tác quản lý lĩnh vực môi trường; giải quyết 100% các kiến nghị của người dân theo thẩm quyền của phường – xã – thị trấn; vận động 100% cơ quan, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn thực hiện ký cam kết không xả rác ra đường, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Năm 2023, TP.HCM sẽ tổ chức khoảng 500 hoạt động bảo vệ môi trường đồng loạt trên toàn thành phố với hình thức đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia như: thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, thu gom chất thải có thể tái chế, tổ chức Ngày hội Sống Xanh, tọa đàm, hội thi, ra quân tổng vệ sinh, trồng cây xanh, tạo mảng xanh…
Đồng thời, TP.HCM phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động, thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân. Phấn đấu đảm bảo các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
Đặc biệt, TP.HCM phấn đấu và duy trì tỷ lệ 100% các điểm ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải được giải quyết, không để tái phát sinh và phát sinh thêm điểm ô nhiễm, tăng tỷ lệ chuyển hóa điểm ô nhiễm thành các khu sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, 95% khu phố – ấp – sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; 70% phường – xã – thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu; 85% phường – xã – trị trấn đạt tiêu chí “Phường – xã – thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.
Đối với việc hạn chế chất thải nhựa, TP.HCM đặt mục tiêu 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 65% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học của các tiểu thương tại các chợ dân sinh trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Đổi mới cách thức tuyên truyền
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND TP.HCM đã phân công trách nhiệm của từng sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức trong việc triển khai Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”. Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức 2 đợt giám sát (tháng 8 và tháng 11/2023) đối với các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện trong việc triển khai Cuộc vận động này. Đặc biệt, TP.HCM sẽ đổi mới phương pháp, nội dung, cách thức tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và Cuộc vận động nói riêng.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện trên toàn thành phố đang tiếp tục duy trì 1.920 điểm, công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường; 198 điểm ô nhiễm được chuyển thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên.
Ông Trần Minh Quân – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP.HCM cho biết: nhằm đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp Sở TN&MT đã tổ chức Hội thi xây dựng công trình sạch – xanh – thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư năm 2022 và năm 2023. Qua 2 lần tổ chức, Hội thi có 1.251 công trình sạch – xanh – thân thiện môi trường của hơn 300 đơn vị dự thi cấp quận, huyện, TP. Thủ Đức, trong đó, có 88 sản phẩm công trình dự thi cấp thành phố và có 71 sản phẩm đoạt giải.
Cũng theo ông Trần Minh Quân, hiện Sở TN&MT đã hoàn thành dự thảo trình UBND TP.HCM Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; từ 65% trở lên dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.
Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tp-hcm-doi-moi-tuyen-truyen-bao-ve-moi-truong-360735.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam