Do ý thức kém của một bộ phận hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, cũng như sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở nên hiện nay tại một số làng nghề của huyện Hoài Đức vẫn tái diễn tình trạng xả rác trái quy định, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Rác thải tràn đường
Ngày 6-5, khảo sát thực tế tại xã La Phù (huyện Hoài Đức), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, có khu vực tồn tại bãi rác rộng đến gần 500m2. Do lưu cữu lâu ngày không được di chuyển đến nơi xử lý, ở nhiều khu vực lượng rác đã chất thành đống, tràn xuống cả hệ thống tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Để khắc phục tình trạng mùi hôi thối bay vào nơi sinh sống, người dân sống gần bãi rác phải châm lửa đốt, nhưng vài ngày sau lượng rác lại chất đầy, liên tục bốc mùi xú uế, tanh nồng.
Chị Trương Thị Bình, một người dân địa phương, cho biết, xã La Phù có nghề cơ khí, dệt len và làm bánh, kẹo truyền thống. Vì đặc thù của công việc và thiếu mặt bằng sản xuất nên nhiều cơ sở sản xuất thường chiếm dụng vỉa hè, hành lang giao thông để tập kết nguyên liệu, bày bán sản phẩm. Một số cơ sở khác thường xuyên tái diễn hành vi vứt rác, xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường do thiếu ý thức chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Thậm chí, để tiện cho việc sản xuất, nhiều cơ sở còn trực tiếp xả thẳng rác thải ra đường giao thông liên xã ngoài khung giờ quy định, nhưng không hề thấy chính quyền đến kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tình trạng xả rác bừa bãi, trái quy định, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân còn diễn ra trên địa bàn các xã Minh Khai, Dương Liễu, Kim Chung và Cát Quế… Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm của chính quyền cơ sở cũng như tình trạng không ít người dân thường xuyên tiện đâu xả rác đấy. Thói quen lâu ngày dẫn đến việc hình thành các bãi tập kết tự phát, gây ô nhiễm cũng như tạo ra khó khăn cho việc di dời, xử lý rác thải của các đơn vị chức năng.
Giải pháp trước mắt và lâu dài
Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Tiến Quảng cho biết, xã hiện có khoảng 90 hộ đang sản xuất bún, miến. Dù việc sản xuất diễn ra trong khuôn viên gia đình, nhưng kiểm tra đã phát hiện một số hộ xả trực tiếp nước, rác thải chưa phân loại, xử lý vào hệ thống thoát nước và lối đi chung.
Còn Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Đình Tiến lý giải, nguyên nhân dẫn đến việc người dân thiếu ý thức chấp hành quy định pháp luật về môi trường là do công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được quan tâm, phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức. Mặt khác, sự thiếu kiểm tra, xử lý vi phạm của chính quyền cơ sở đã dẫn đến tình trạng nhiều người dân “nhờn luật”, sẵn sàng tái phạm miễn sao thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt của gia đình và cơ sở sản xuất của mình.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Nguyễn Duy Giang cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm tại các làng nghề. Qua kiểm tra 43 cơ sở sản xuất, đến nay, tổ công tác đã xử phạt 155 triệu đồng đối với 3 trường hợp vi phạm. Mặc dù các hộ đã ký cam kết không tái diễn hành vi xả rác trái quy định, nhưng lần nào cũng vậy, ngay khi đoàn kiểm tra rời khỏi hiện trường, người dân lại tái phạm.
Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải rác thải tại các làng nghề, ông Nguyễn Duy Giang thông tin, ngoài việc ký hợp đồng tăng tần suất thu gom, vận chuyển rác với Hợp tác xã Thành Công, UBND huyện vừa mới nghiên cứu xây dựng các bãi trung chuyển ở một số xã có quy mô sản xuất tập trung cao. Bên cạnh đó, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tại các xã: Sơn Đồng, Vân Canh…
Trước tình trạng tùy tiện xả rác, gây ô nhiễm môi trường các làng nghề, huyện Hoài Đức cũng như các địa phương thuộc huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành quy định về Luật Bảo vệ môi trường. Về lâu dài, UBND huyện Hoài Đức cần nghiên cứu, quy hoạch địa điểm xây dựng các cụm, điểm công nghiệp, nhằm thu hút, di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Nguyên Hà – Hanoimoi
Link nguồn: https://hanoimoi.vn/tinh-trang-xa-rac-tuy-tien-o-mot-so-lang-nghe-cua-huyen-hoai-duc-can-som-co-bien-phap-khac-phuc-665689.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam