Tại Hội thảo Hội thảo khoa học với chủ đề “ Hạ tầng xanh cho phát triển bền vững đô thị, nông thôn” ngày 18/1, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam chia sẻ về các khó khăn, bất cập trong phát triển đô thị xanh, thành phố thông minh.
Thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp bách tìm kiếm các giải pháp đồng bộ để giảm áp lực về ô nhiễm môi trường, giao thông ùn tắc, úng ngập đô thị, an toàn phòng chống cháy… Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, điều này bắt nguồn từ công tác thiết kế, xây dựng công trình, quy hoạch xây dựng, cải tạo chỉnh trang đô thị và quản lý đô thị, điểm dân cư nông thôn theo hướng xây dựng hạ tầng xanh cho phát triển đô thị và nông thôn bền vững.
Việc chưa chú trọng tới thu hút đầu tư, triển khai những giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong thiết kế, quy hoạch, xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng và sinh thái đô thị theo hướng xanh, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là rào cản cho việc phát triển bền vững của một đô thị. Nếu chỉ chú trọng trước mắt cho việc đầu tư áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cũng sẽ hạn chế trong việc thúc đẩy phát triển những công trình xanh, đô thị xanh và thành phố thông minh một cách rộng rãi tại Việt Nam.
“Phát triển hạ tầng xanh đang là yêu cầu bức bách, nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư và là nền tảng cho phát triển đô thị, nông thôn bền vững. Hạ tầng xanh là một trong các hệ thống hạ tầng cơ sở quan trọng của thành phố thông minh” – GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Trong 3 năm (từ năm 2021-2023), Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đã chủ trì cập nhật Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07: 2016 về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây là cơ sở để Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn Quốc gia QCVN 07:2023/BXD về Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.
Bộ quy chuẩn gồm những quy định kỹ thuật bắt buộc tuân thủ đối với 10 loại hình công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, bao gồm: Công trình cấp nước; Công trình thoát nước; Công trình hào và tuy-nen kỹ thuật; Công trình giao thông đô thị; Công trình cáp điện; Công trình cáp xăng dầu, khí đốt; Công trình chiếu sáng; Công trình viễn thông; Công trình thu gom, xử lý chất thải rán và nhà vệ sinh công cộng; Công trình nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và nhà tang lễ. Các quy định có hiệu lực từ tháng 7/2024 và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong xây dựng, vận hành công trình xanh và đô thị xanh, đô thị thông minh tại Việt Nam.
Theo ông Trần Hoài Anh, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tốc độ phát triển hạ tầng của Việt Nam hiện chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa. Điều này khiến cho biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây ra nhiều tác động tiêu cực với môi trường đô thị và các khu vực nông thôn. Phát triển hạ tầng đô thị xanh, bền vững tại Việt Nam là yêu cầu cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đã đưa ra cam kết về mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 đến năm 2050 tại Hội nghị COP 26.
Ông Trần Hoài Anh cho rằng, hạ tầng xanh là hướng tiếp cận mới trong thúc đẩy phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn bền vững. Mục tiêu nhằm xây dựng hệ thống môi trường nhân tạo phải gắn kết với tự nhiên, giảm phát thải, tạo ra những lợi ích thiết thực đối với môi trường, hệ sinh thái và tiết kiệm tài nguyên. Qua đó, hình thành một hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội kết nối “xanh” trong xây dựng mới hay cải tạo, chỉnh trang đô thị, điểm dân cư nông thôn Việt Nam.
Xung quanh định hướng phát triển hạ tầng xanh, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ các ý tưởng, quan điểm, giải pháp toàn diện về quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, xã hội và quản lý. Trong đó, nổi bật là vấn đề quản lý và phát triển hạ tầng xanh ở Việt Nam; một số giải pháp cấp nước xanh an toàn và bền vững, nghiên cứu khả năng cân bằng sinh khối của khu vực hành lang xanh Hà Nội; nhận diện đứt gãy hạ tầng xanh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và định hướng tái kết nối; quy chuẩn thoát nước, xử lý nước thải hướng tới kinh tế tuần hoàn; thiết lập hệ thống hạ tầng xanh trong quy hoạch xây dựng các huyện thuộc TP. Hà Nội…
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, những kiến nghị, đề xuất là gợi ý để các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương đưa ra các giải pháp cụ thể, phục vụ phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn theo xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khánh Ly – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tim-giai-phap-xanh-hoa-ha-tang-do-thi-va-nong-thon-369163.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam