Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Tiền Giang đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp ứng phó để góp phần ổn định sản xuất và nâng cao đời sống người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Đông, Phó Giám đốc Sở TN&MT Tiền Giang xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết đôi nét về những tác động tiêu cực của BĐKH đối với tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Trí Đông:
Với đặc thù vị trí địa lý, địa hình nên Tiền Giang đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của BĐKH. Hàng năm, tỉnh đều bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài từ 3 tháng đến 6 tháng, riêng huyện Tân Phú Đông mỗi năm có từ 6 tháng đến 9 tháng bị nhiễm mặn. Độ xâm nhập mặn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2022 có diễn biến bất thường và phức tạp hơn, có cả sự thay đổi về thời gian, phạm vi và nồng độ mặn.
Tỉnh có chiều dài bờ biển 32km. Trước kia bên ngoài bờ biển đã từng có một đai rừng phòng hộ khá dày từ 100 – 800m, tuy nhiên gần đây, rừng phòng hộ nơi đây đã bị suy thoái dần và có nơi bị mất trắng. Trong khi đó, tốc độ bồi lắng các bãi bồi ven biển, ven sông chậm và không ổn định, do đó diện tích trồng mới rừng phòng hộ hàng năm đạt thấp. Với sự thay đổi của các yếu tố khí tượng, thủy văn; sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, dâng cao mực nước biển khiến cho tình hình sạt lở bờ biển khu vực Gò Công, khu vực bồi lắng Tân Phú Đông diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Lĩnh vực tài nguyên nước được xem là đối tượng bị tác động nặng nề nhất do BĐKH trên địa bàn. Khi mùa khô và hạn hán kéo dài, mực nước của các con sông trong tỉnh, nhất là khu vực chịu tác động của triều biển Đông giảm thấp, nên xâm nhập mặn lấn sâu vào trong đất liền. Tiền Giang có hệ thống kênh rạch chằng chịt, thông ra biển bằng sông Tiền có độ rộng từ 1,2 – 1,9km, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự truyền triều – xâm nhâp mặn sâu vào nội đồng. Có thời điểm, trên sông Tiền mức độ mặn xâm nhập đã tiến sâu vào phạm vi 60 – 80km, dẫn đến nguy cơ nguồn nước ngầm bị mặn hóa gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nguồn tài nguyên nước.
Ngoài ra, tình hình xói lở bờ biển, sạt lở bờ sông, kênh rạch tại Tiền Giang cũng diễn biến phức tạp, có xu thế gia tăng cả về phạm vi, mức độ nguy hiểm. Cụ thể qua thống kê, hiện tại toàn tỉnh có 138 điểm sạt lở với chiều dài 11.305m. Với những tác động tiêu cực của BĐKH trong thời gian qua, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn.
PV: Trước tình hình trên, tỉnh Tiền Giang đã có những giải pháp gì để chủ động ứng phó, nhằm hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững cho người dân, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Đông:
Thời gian qua, Tiền Giang đã triển khai thực hiện đầy đủ các nghị quyết, văn bản của Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện đã được tỉnh xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và giao cho các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đảm bảo phát huy hiệu quả.
Trong đó, địa phương xác định rõ quan điểm là chủ động, tích cực, linh hoạt thích ứng với BĐKH và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường có ý nghĩa sống còn, quan hệ mật thiết, tác động qua lại, quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh; và xem đây là nền tảng để hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng xã hội thân thiện với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Để triển khai các giải pháp về thích ứng và ứng phó với BĐKH, tỉnh đề ra một số chương trình, dự án để triển khai thực hiện, điển hình như: xây dựng mô hình kiểm tra độ mặn tự động tại các trạm lấy nước cho vùng ngọt hóa Gò Công; nghiên cứu đề xuất mô hình chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp trên nền đất lúa thích ứng với BĐKH khu vực khó khăn vùng ngọt hóa Gò Công.
Cùng với đó là tập trung thực hiện Dự án Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Dự án Xây dựng khả năng ứng phó thiên tai và tăng cường tiếp cận nước sạch trong cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương tại tỉnh; Tiểu dự án “Nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công” và “Kiểm soát, giảm thiểu rủi ro do lũ vùng Ba Rài – Phú An”; Dự án phòng ngừa và ứng phó với BĐKH tại Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện trên địa bàn huyện Tân Phú Đông giai đoạn 2018 – 2022.
Đồng thời xây dựng khả năng ứng phó thiên tai, tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh trong cộng đồng ven biển dễ bị tổ thương; xây dựng khả năng chống chịu, thích nghi và phục hồi cho khu vực đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Tiền Giang; Dự án Hỗ trợ nước sạch cho trường học và cộng đồng tại địa phương…
PV: Ông có thể nói rõ hơn, riêng với Sở TN&MT Tiền Giang đã và đang có nhiệm vụ gì để nâng cao hiệu quả ứng phó với BĐKH, nhằm góp phần ổn định sản xuất và đời sống dân sinh?
Ông Nguyễn Trí Đông:
Thời gian qua, nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các ảnh hưởng của BĐKH đến đời sống của người dân trên địa bàn, Sở TN&MT Tiền Giang đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó.
Trong đó, phối hợp với báo, đài thực hiện các chuyên mục, phóng sự về BĐKH. Đồng thời triển khai đầy đủ các văn bản về BĐKH đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp để thực hiện và tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định về kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ việc xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Sở tập trung phổ biến, quán triệt quan điểm, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về ứng phó BĐKH. Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông theo hướng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng cơ chế phối hợp nâng cao vai trò trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan thông tin đại chúng, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ứng phó BĐKH.
Bên cạnh đó, ứng dụng cách tiếp cận dựa vào thị trường và áp dụng các công cụ kinh tế; chủ động tiếp nhận công nghệ tiên tiến về ứng phó BĐKH. Tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác phát triển, nhà tài trợ, cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới.
Đồng thời, xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động thích ứng BĐKH. Triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn. Tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định về kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý để giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Với những nhiệm vụ và giải pháp ứng phó BĐKH phát huy hiệu quả, sẽ góp phần ổn định kinh tế, sản xuất và từng bước nâng cao đời sống của người địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
– Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tien-giang-chu-dong-ung-pho-bdkh-on-dinh-san-xuat-vung-nhiem-man-360296.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam