Thúc đẩy tái chế chất thải tại Việt Nam

Chiều ngày 9/8, thông qua kỷ niệm 3 năm thành lập, Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam” nhằm đồng bộ giải pháp thúc đẩy thị trường tái chế chất thải.

Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam được Bộ Nội Vụ cấp phép thành lập vào tháng 3/2021. Hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tài Nguyên và Môi trường với tầm nhìn trở thành tổ chức hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tái chế chất thải, góp phần xây dựng một xã hội bền vững, nơi mà các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả và tối ưu, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Được quy tụ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, các doanh nghiệp tái chế chất thải như: Tái chế nhựa, giấy, cao su, vải, kim loại, chất thải điện tử, dầu nhớt, pin, ắc quy, chất thải hữu cơ, lĩnh vực năng lượng xanh…

Đánh dấu 3 năm thành lập, Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam hướng đến thiết lập không gian thúc đẩy giao thương, kết nối, trao đổi kinh nghiệm cũng như thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như chính sách EPR đã đi vào thực hiện.

Thùng chứa rác được cải tiến điều chỉnh bằng điện nhằm tiết kiệm thời gian thu gom

Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải”.

Cũng theo ông Hùng, từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội đã thúc đẩy nhiều hoạt động vì cộng đồng và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường, là giám khảo một số giải thưởng doanh nghiệp xanh, cuộc thi về giải pháp môi trường. Đặc biệt, Hiệp hội khởi động chương trình Văn hóa tái chế học đường năm học 2023–2024 với sự đồng hành của Unilever Việt Nam, hội viên của Hiệp hội, và nhiều tổ chức. Chương trình đã diễn ra sôi nổi tại 10 điểm trường thuộc quận 7, quận 8, TPHCM, thu hút hơn 10.000 học sinh tham gia, với hơn 1.000 sản phẩm dự thi sáng tạo. Hiệp hội đã trao hơn 3.000 phần quà, và thu về hơn 2 tấn chất thải tái chế tại sự kiện.

Các chuyên gia nghe doanh nghiệp tái chế chất thải đóng góp ý kiến

Trong năm 2023 – 2024, Hiệp hội tái chế Chất thải Việt Nam đã tham gia trong công tác tham vấn, phản biện chính sách, tham luận, chủ trì hơn 50 Hội thảo trong nước và Quốc tế với các chủ đề liên quan đến Tái chế, môi trường,

Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam đã được sự tín nhiệm và giao nhiệm vụ là một trong những thành viên của Hội đồng EPR Quốc gia theo Công văn số 252/QĐ-BTNMT ký ngày 14/2/2023 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường về quyết định thành lập hội đồng EPR Quốc gia.

Hiệp hội cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, ban, ngành liên quan xây dựng quy chế hoạt động và quản lý tài chính của Quỹ EPR cho lĩnh vực tái chế tại Việt Nam.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết, thị trường tái chế ở Việt Nam nhìn chung còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có công nghệ tái chế phù hợp, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa; công tác phân loại nguồn cũng chưa đồng bộ… Nếu khắc phục được các nguyên nhân này thì tiềm năng tái chế chất thải ở Việt Nam là rất lớn, mang lại nguồn tài nguyên quý giá.

Đình Du – Váo TN&MT

Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thuc-day-tai-che-chat-thai-tai-viet-nam-378118.html

Tin cùng chuyên mục: