Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, thời gian qua huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn; nâng cao ý thức người dân trong việc thu gom rác thải, kiên quyết xử lý các hộ vứt, xả rác không đúng quy định.
Theo tổng hợp của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Liêm, đến nay lượng rác thải trong khu dân cư, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thu gom được khoảng 98%. Để hạn chế người dân vứt rác thải không đúng quy định, thời gian qua huyện Thanh Liêm đã tổ chức lắp đặt camera ở bãi trung chuyển rác tập trung trên địa bàn của 14 xã, thị trấn. Kể từ khi lắp đặt camera, tại các xã đã hạn chế được tình trạng người dân vứt rác đồng thời cũng thuận tiện trong việc đôn đốc doanh nghiệp thu gom rác thải.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn cũng như thay đổi nhận thức của người dân, thời gian qua, huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh hoạt động phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Tổ chức quản lý, vận hành tốt các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thường xuyên cải tạo các trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường và thực hiện thu gom, xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các đơn vị vận chuyển thu gom, xử lý toàn bộ rác thải, không để ùn ứ tại các điểm tập kết rác thải. Từng bước đầu tư xe chở rác và thực hiện thu gom trực tiếp từ xe đẩy.
Đối với việc phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hành phân loại, xử lý rác, hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng compost; Các xã, thị trấn xây dựng và triển khai rộng rãi mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình ở các thôn, xóm.
Từ đó, nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được duy trì có hiệu quả như phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, phong trào các hội đoàn thể phối hợp với các nhà trường cho các cháu học sinh thực hiện vệ sinh đường làng ngõ xóm, phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”.
Những hoạt động đó đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng. Cụ thể, các hộ gia đình đã đăng ký, cam kết thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đối với chất thải thuộc nhóm thành phần hữu cơ: Được xử lý bằng mô hình ủ mùn phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đối với chất thải thuộc nhóm tái chế: Được chuyển giao cho các đơn vị thu mua để tái chế, tái sử dụng. Đối với chất thải thuộc nhóm chất thải còn lại: Được chứa trong thùng riêng chuyển cho các tổ thu gom, vận chuyển đến điểm trung chuyển rác thải của xã để vận chuyển đi xử lý tại nhà máy.
Đến nay toàn huyện có khoảng 40% hộ gia đình đã áp dụng và tổ chức theo quy định, khoảng 20% lượng rác hữu cơ được làm thức ăn chăn nuôi và ủ thành phân bón, 80% rác tái chế như giấy, thùng carton, vỏ chai, nhựa… được thu gom và bán cho cơ sở thu mua phế liệu.
Đối với bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, huyện đã thành lập Hội Cựu Chiến Binh bảo vệ môi trường thu gom vỏ thuốc thực vật ngoài đồng ruộng, tập trung tuyên truyền để nhân dân thu gom vỏ thuốc BVTV bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi ra môi trường. Đến nay, mô hình đã nhân rộng, duy trì hoạt động có hiệu quả tại 16 xã, thị trấn. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 1.300 bể chứa chất thải nguy hại, vỏ thuốc BVTV trên các cánh đồng, một số xã, thị trấn đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại.
Tập trung cải tạo các bể trung chuyển rác thải sinh hoạt, tiến hành xây dựng lại 13 bể trung chuyển rác thải sinh hoạt theo thiết kế (có tường bao, mái che, rãnh thoát nước, hố thu gom nước rỉ rác…). Các bể trung chuyển rác thải sinh hoạt được xây dựng lại đều đảm bảo về diện tích cũng như cự ly cách khu dân cư theo quy định, đáp ứng được việc tập kết rác sinh hoạt và không nguy hại đến người dân trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc vận chuyển rác thải từ bãi tập kết ở nhiều xã trên địa bàn huyện về nơi xử lý vẫn có những thời điểm chậm trễ, dẫn đến tồn đọng rác. Đơn cử như thị trấn Kiện Khê, rác thải được đổ ngay tại ngã ba giao giữa đường tránh TP. Phủ Lý với tuyến ĐT 495C. Cụ thể, nhiều năm qua tại khu vực trên xuất hiện tình trạng rác không được vận chuyển mang đi xử lý kịp thời tràn ra đường gây ô nhiễm môi trường. Rác chưa được trung chuyển kịp thời dẫn đến việc người dân tự ý dùng lửa đốt, khói đốt rác thải kết hợp với mùi hôi thối gây khó chịu cho người tham gia giao thông.
Theo ông Đỗ Văn Trường, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Liêm, năm 2023 lượng rác thải chuyển về bãi rác tập trung của huyện là hơn 14.519 tấn, trong đó rác thải khu vực đô thị hơn 3.225 tấn, còn lại rác thải ở khu vực nông thôn.
Để khắc phục tình trạng tồn đọng rác thải trong khu dân cư và tồn đọng ở bãi trung chuyển, thời gian tới huyện Thanh Liêm chỉ đạo các xã thị trấn hoàn thiện việc lắp đặt camera ở bãi trung chuyển rác; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm vứt rác không đúng quy định; yêu cầu doanh nghiệp thu gom rác thải nhanh chóng thu gom rác ở bãi trung chuyển, không để rác tồn đọng trong khu dân cư. Về lâu dài, huyện tập trung tuyên truyền người dân phân loại rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải hữu cơ vận động bà con xử lý ngay tại nhà dùng chăm sóc cây trồng, tận dụng để chăn nuôi hạn chế đổ rác thải ra môi trường, tiết kiệm kinh phí thu gom.
Việt Linh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thanh-liem-ha-nam-day-manh-hoat-dong-thu-gom-phan-loai-xu-ly-rac-372359.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam