Tăng cường trách nhiệm bảo vệ rừng trên địa bàn An Giang

Ngày 29/5, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang Đinh Minh Hoàng cho biết, Thường trực UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, TX. Tịnh Biên và TP. Châu Đốc triển khai thực hiện Công điện 441/CĐ-TTg, ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tăng cường trách nhiệm bảo vệ rừng

Công điện 441/CĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành nêu rõ, hiện nay, nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-390C, có nơi trên 400C, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nam Bộ nguy cơ cháy rừng rất cao.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nên nắng nóng gay gắt hơn, số ngày nắng cao hơn trung bình nhiều năm và có nhiều diễn biến bất thường. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thường trực UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương có rừng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Các ngành, địa phương kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo đầy đủ, sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Các đơn vị, lực lượng chức năng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao.

Các chốt trực kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.

Các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.

NGÔ CHUẨN

Tin cùng chuyên mục: