Tăng cường quản lý và xử lý chất thải công nghiệp

Với 9 khu công nghiệp (KCN) và 16 cụm công nghiệp (CCN) đã thành lập, giao chủ đầu tư cùng gần 80 làng nghề và làng có nghề, lượng chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Trước thực tế này, công tác quản lý hoạt động thu gom, xử lý chất thải công nghiệp của các doanh nghiệp (DN) được chính quyền các cấp, sở, ngành liên quan siết chặt nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.

Cán bộ Công an huyện Yên Lạc phổ biến các quy định về BVMT cho các cơ sở SXKD tại xã Yên Đồng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo thống kê của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), năm 2022, tổng lượng nước thải KCN phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng gần 22 nghìn m3/ngày đêm; tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD), dịch vụ trên địa bàn tỉnh khoảng 6,3 triệu tấn, chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh hơn 52 nghìn tấn…

Về cơ bản, các chỉ tiêu về chất lượng môi trường tại các KCN, CCN đều ở ngưỡng cho phép; lượng chất thải này được các đơn vị ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định.

Toàn tỉnh hiện có 23 đơn vị do Bộ TN&MT cấp phép đang hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý chất thải nguy hại cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp – TTCN tại các địa phương với nhiều cơ sở, DN mới, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung, quản lý việc xử lý chất thải nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Phần lớn các làng nghề trên địa bàn đều nằm trong khu dân cư với quy mô nhỏ, không có các hệ thống thu gom, xử lý chất thải đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Tại các CCN, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại mới chỉ được thực hiện tại các DN có lượng phát sinh lớn, đối với các DN, cơ sở SXKD, chủ yếu nguồn thải phát sinh số lượng nhỏ vẫn chưa chấp hành nghiêm túc.

Điển hình năm 2021, tại xã Đồng Văn (Yên Lạc) đã xảy ra tình trạng tập kết, đốt rác thải công nghiệp trái phép gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân xã Đồng Văn và khu vực lân cận.

Để phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tỉnh luôn coi việc kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường và được duy trì thực hiện thường xuyên.

Với trách nhiệm của mình, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT tại các KCN,CCN, cơ sở SXKD; có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

6 tháng đầu năm 2023, qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã phát hiện gần 440 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (tăng hơn 70 vụ so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, có 1 vụ vi phạm tại KCN do không thu gom, phân loại chất thải rắn thông thường, không thu gom, lưu giữ, phân loại chất thải nguy hại theo quy định; 8 vụ vi phạm liên quan tới hành vi đốt chất thải rắn thông thường không đúng quy trình kỹ thuật, quy định…

Đồng thời, từng bước đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp.

Thượng tá Lê Bá Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh cho biết:

“Xác định rõ công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về môi trường vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trên cơ sở “Lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm”, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, xử lý chất thải đối với các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp – TTCN nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, đối với các cơ sở phát sinh lượng chất thải công nghiệp lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, ngoài việc theo dõi, giám sát chặt chẽ, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ tích cực hướng dẫn cách phân loại rác thải; yêu cầu xây dựng hệ thống quan trắc tự động, thu gom và xử lý nước thải hiện đại tập trung, đáp ứng đủ yêu cầu về BVMT; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các cơ sở không vi phạm, tái diễn vi phạm”.

Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế theo hướng bền vững cùng những nỗ lực của lực lượng công an, tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung các khu thu gom, xử lý chất thải, rác thải công nghiệp; kêu gọi nguồn xã hội hóa trong công tác BVMT; kịp thời giải quyết những tồn tại liên quan đến công tác quản lý, xử lý chất thải; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các DN, cơ sở SXKD trên địa bàn…

Lưu Nhung – Báo Vĩnh Phúc

Link nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96960//tang-cuong-quan-ly-va-xu-ly-chat-thai-cong-nghiep

Tin cùng chuyên mục: