• Trang chủ
  • Sống ++
  • Sơn La: Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng môi trường không khí

Sơn La: Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng môi trường không khí

Triển khai Kế hoạch số 55/KH-UBND của UBND tỉnh Sơn La về quản lý chất lượng môi trường không khí, từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức triển khai nghiêm các nhiệm vụ được giao, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ chất lượng môi trường không khí trên toàn tỉnh.

Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT đã tăng cường ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các chủ sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; rà soát, thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường.

Quan trắc chất lượng môi trường không khí tại ngã ba Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu.

Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở truyền dữ liệu quan trắc tự động về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát các dự án thực hiện quan trắc tự động, liên tục. Đến nay, có 6 cơ sở đã truyền dữ liệu quan trắc tự động về Sở.

Đồng thời, giao Trung tâm quan trắc TN&MT triển khai quan trắc môi trường tỉnh năm 2023. Qua 3 đợt quan trắc, cho thấy môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu bởi 2 thông số tiếng ồn và bụi TSP, tập trung tại các khu vực gần đường giao thông, bến xe, cổng bệnh viện.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện kiểm định về môi trường gần 32.000 phương tiện vận tải đường bộ, hơn 2.600 phương tiện vận tải đường thủy… Đảm bảo phương tiện vận chuyển nguyên, vật liệu, chất thải cơ bản được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường. Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 9 tuyến Quốc lộ, 19 tuyến đường tỉnh; các doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ đã triển khai giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải.

Trong công tác thẩm định, cấp giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng đã thẩm định 232 công trình; trong đó, các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách nhà nước sử dụng gạch không nung và các thiết bị tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm khí thải.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành các huyện thành phố đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các chủ dự án đầu tư thực hiện đúng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong giai đoạn phá dỡ, thi công phải được che chắn bảo đảm chống bụi. Tổ chức thu gom, thải rác sinh hoạt đúng nơi quy định; vệ sinh, khơi thông cống rãnh, tránh ứ đọng nước thải, để không làm phát sinh nguồn ô nhiễm vào môi trường không khí.

Tăng cường thanh, kiểm tra bảo vệ môi trường không khí

Song song đó, Sở TN&MT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng không khí. Khuyến khích các chủ dự án đầu tư nghiên cứu, áp dụng các mô hình xử lý môi trường tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường tái chế các phụ phẩm nông nghiệp; nghiên cứu và thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý chất thải hữu cơ tại chỗ để áp dụng tại các hộ gia đình, khu vực nông thôn để tái sử dụng, làm phân compost.

Sơn La đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ chất lượng môi trường không khí tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với 5 cơ sở. Qua kiểm tra, các cơ sở đều chấp hành quan trắc giám sát định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt.

Các sở, ban ngành đã lồng ghép việc kiểm tra các nội dung liên quan đến lĩnh vực môi trường vào các cuộc thanh tra, kiểm tra của ngành. Sở Công Thương đã rà soát, đôn đốc các cơ sở công nghiệp thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính; rà soát, lập danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Hàng tháng, thông tin, thống kê sản lượng sản xuất của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn; kịp thời có văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các quy định pháp luật.

UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn để xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát theo quy định.

Nhìn chung, công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng, tiết kiệm, với hình thức đa dạng, phong phú. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với Sở TN&MT tham mưu các nội dung, nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Thời gian tới, Sở TN&MT đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh. Sản phẩm của nhiệm vụ sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý chất lượng môi không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh, cải thiện chất lượng môi trường không khí, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Cùng với đó, triển khai các hoạt động, giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên toàn tỉnh.

Nguyễn Nga – Báo TN&MT

Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/son-la-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-chat-luong-moi-truong-khong-khi-361224.html

Tin cùng chuyên mục: