Những ngày này trên khắp các nẻo đường, tuyến phố từ thành phố đến các huyện miền núi, hải đảo đều rực rỡ cờ hoa chào đón sự kiện 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh. Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Ngành tài nguyên và môi trường vào sự chuyển đổi phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững.
Phát huy lợi thế
Trên nền tảng được tạo dựng của các lĩnh vực tiền thân, với sự tận tâm, trách nhiệm và trí tuệ của các thế hệ tiếp nối trong 20 năm qua, Ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Ninh đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động nắm bắt thuận lợi, thời cơ qua đó củng cố vững chắc nền tảng, khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Trong 20 năm qua, Sở đã trình Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND ban hành, hàng trăm văn bản chỉ đạo kịp thời, cụ thể hóa các quy định của Trung ương cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Cũng như tham mưu về các Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Bảng giá và điều chỉnh bảng giá đất hàng năm trên địa bàn tỉnh, các quyết định của UBND tỉnh quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, hạn mức sử dụng đất, ban hành Bảng giá đất hàng năm.
Đồng thời, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh hoàn thành lập các quy hoạch của ngành là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch môi trường, phương án phát triển kinh tế biển, quy hoạch sử dụng không gian biển, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước.
Từ năm 2003 đến tháng 6/2023 Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh Quảng Ninh cho thuê đất, điều chỉnh ranh giới cho 2.555 tổ chức với diện tích trên 86 nghìn ha, tăng 36,5 lần so với trước năm 2003. Đồng thời, giao đất, điều chỉnh ranh giới cho 1.780 tổ chức với diện tích trên 64 nghìn ha và gia hạn thời gian thuê đất cho 393 tổ chức với diện tích hơn 22 nghìn ha.
Đồng thời, Sở tích cực chủ động phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đã tháo gỡ vướng mắc trên 1.500 nội dung liên quan đến công tác GPMB.
Lợi thế về đất đai cũng như tài nguyên khoáng sản than, đá là vậy, nhưng hơn 10 năm qua, Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” để khai thác tiềm năng di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long gắn với phát triển ngành du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Trong giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu thu nội địa dựa vào than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách. Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng về cơ bản vẫn phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, cùng với việc khai thác than, các nhà máy sản xuất nhiệt điện, xi măng, đóng tàu tập trung bên bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đã tác động không nhỏ đến môi trường du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển đảo, nguồn lợi thủy hải sản.
Để giải bài toán mâu thuẫn lớn giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là một thách thức cần có giải pháp hiệu quả để gỡ nút thắt trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng “xanh”.
Từ năm 2012, BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đưa ra định hướng phát triển dựa trên triết lý: Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên – Con người – Văn hoá, phát huy nội lực, tranh thủ thu hút đầu tư trong xu thế hoà bình, hợp tác và hội nhập. Trong đó, phát huy lợi thế địa lý, hệ thống cảng biển để thu hút vốn đầu tư, phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ và tận dụng xu hướng tích hợp công nghệ để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
Nhờ có cơ chế, chính sách phù hợp, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó vốn xã hội hóa chiếm trên 75%. Những công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược như: Vingroup, Sun Group, BIM group, Tuần Châu đầu tư xây dựng các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái.
Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Từ 2003 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt 1.160 báo cáo đánh giá tác động môi trường (tăng 21,9 lần so với trước 2003), 351 Đề án BVMT, xác nhận 365 bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường (tăng 1,2 lần so với trước 2003).
Với vai trò nòng cốt, Sở đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu và đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân trong việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó, khắc phục thiên tai, biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, với phương châm hạ tầng đi trước mở đường đã giúp Quảng Ninh thu hút được số vốn đầu tư khá lớn để phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh thu hút gần 345.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt 300.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư lớn đã có dự án tại Quảng Ninh như Foxconn, Amata, Vingroup, Sungroup, Geleximco Group, BIM Group…
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp trong việc thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Tỉnh đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa; thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công – tư.
Nhờ có cơ chế, chính sách phù hợp, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó vốn xã hội hóa chiếm tỷ lệ rất cao. Những tuyến đường động lực được xây dựng như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược như: Vingroup, Sun Group, Geleximco Group, BIM Group, Tuần Châu đầu tư để hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao.
Ngoài ra, Ngành khai thác than phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống. Trong đó, chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, công nghiệp than cũng được cải tiến mạnh mẽ bằng việc đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò, đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành các “mỏ xanh”.
Kết quả cơ cấu kinh tế đã không còn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp khai khoáng. Đóng góp của Ngành than trong thu ngân sách nội địa của tỉnh chỉ còn chiếm 36%. Trong đó, ngành du lịch, dịch vụ ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng số khách 5 năm (2015 – 2020) ước đạt 55 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt; doanh thu du lịch tăng 11,9%/năm.
Quy mô nền kinh tế năm 2022 đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so quy mô năm 2021, GDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp (2016 – 2022) tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số, được đánh giá là một kỳ tích trong giai đoạn đổi mới mà tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt thực hiện.
Với những giải pháp phù hợp, đặc biệt việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đã và đang khẳng định là hướng đi đúng đắn, hiệu quả. Song, để duy trì và phát huy kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển “xanh” bền vững, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, du lịch xanh, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Phạm Hoạch – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-ninh-hanh-trinh-phat-trien-tu-nau-sang-xanh-364946.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam