Hàng chục hộ dân của xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú, TP Tam Kỳ đã tự nguyện hiến tặng đất sản xuất cùng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản để mở rộng không gian bảo tồn và phát triển sông Đầm.
Bảo vệ hệ sinh thái quý hiếm
Hệ sinh thái đất ngập nước Sông Đầm bao quanh các xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam). Trong toàn bộ 650ha lưu vực Sông Đầm, có khoảng 200ha mặt nước, có hệ sinh thái rất đa dạng, gồm: thủy sinh, sinh thái mặt nước, sinh thái trên bờ với hệ động, thực vật phong phú. Với mức độ đa dạng sinh học cao, Sông Đầm mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt sản xuất và văn hóa truyền thống của cư dân bản địa quanh vùng bờ.
Theo kết quả nghiên cứu đa dạng sinh học khu vực hồ sông Đầm của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, với phương pháp điều tra định lượng theo tuyến, sông Đầm hiện có 81 loài động vật có xương sống, 214 loài động vật không xương sống và 170 loài thực vật.
Bên cạnh đó, hồ Sông Đầm còn là khu vực có những giá trị về văn hóa, lịch sử. Giai đoạn 1954 – 1975, nơi đây là căn cứ cách mạng của huyện Tam Kỳ và các lực lượng vũ trang của huyện, của tỉnh, của Quân khu 5. Bãi Sậy Sông Đầm đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử vào năm 2005.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Sông Đầm đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, làm ảnh hưởng đến chất lượng hệ sinh thái, đa dạng sinh học như biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ, ô nhiễm nguồn nước và các đợt tận diệt vì việc mưu sinh thiếu hiểu biết của người dân.
Trước thực trạng này, nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái đa dạng sinh học sông Đầm đã được UBND TP.Tam Kỳ triển khai. Trong đó, thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài chim hoang dã, kiểm soát nguồn nước đầu vào sông Đầm gắn với sinh kế của người dân.
Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Phú, TP. Tam Kỳ cho biết, để bảo vệ hệ sinh thái sông Đầm, người dân ở các xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú, TP Tam Kỳ đã bàn giao hàng chục ha đất để trồng cây bản địa.
“Qua công tác vận động, người dân đã tự nguyện hiến các phần đất khai hoang để Nhà nước tổ chức trồng các loại cây bản địa như sậy, dừa nước, tràm ta… để khôi phục lại hệ sinh thái sông Đầm. Ban đầu cũng có bà con băn khoăn nhưng khi hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái với sinh kế và môi trường thì họ đồng thuận ngay. Bà con rất mong muốn được lãnh đạo thành phố sớm tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái”- ông Hải cho biết.
Gắn với sinh kế người dân
Gắn bó nương tựa vào mạch nước sông Đầm gần 20 năm với nghề thả lưới, bắt ốc mưu sinh, bà Lê Thị Thúy trú tổ 3, khối phố An Hải Đông, phường An Phú, TP. Tam Kỳ chia sẻ: Mấy đời qua, cả gia đình bà và bà con sống ven sông Đầm không phải lo cái ăn, kể cả đảm bảo con cái học hành. Bởi vậy, khi nghe chính quyền vận động bà con hiến đất để mở rộng và phục hồi sông Đầm nên gia đình ủng hộ ngay.
Không chỉ hiến đất để mở rộng Sông Đầm, đến nay, người dân ở khu vực này còn thành lập tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Sông Đầm, chỉ cần phát hiện có đối tượng sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loài chim hoang dã thì lập tức báo với cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền vận động nhân dân đồng tình với các chủ trương của nhà nước, bàn giao cho chính quyền hơn 20 hecta đất để trồng và phát triển cây xanh mà việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm đã có những kết quả tích cực bước đầu như diện tích cây xanh tăng lên, nước trở nên trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản đang dần phục hồi rõ nét, chim chóc ngày càng nhiều.
Vấn đề mà địa phương trăn trở nhất vẫn là sinh kế bền vững cho người dân để bà con nhận thức và tích cực tham gia bảo vệ Sông Đầm. Do đó, thời gian tới, Tam Kỳ sẽ đầu tư phát triển nơi này thành khu bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước, hướng đến công viên thiên nhiên sinh thái gắn với hoạt động sinh thái trải nghiệm. Đồng thời, TP Tam Kỳ cũng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ TN&MT công nhận khu vực đa dạng sinh học đất ngập nước để bảo tồn.
Trên cơ sở đó, từng bước hoàn thiện hạ tầng, hình thành các dịch vụ du lịch trải nghiệm độc đáo, đặc sắc theo hướng xanh, sinh thái, bền vững tại địa phương; góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân; nhất là hướng đến tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng phụ cận hồ Sông Đầm.
Lan Anh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-nam-nguoi-dan-hien-dat-mo-rong-he-sinh-thai-song-dam-380493.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam