Mô hình phân loại, tái chế rác thực vật (vỏ trái cây, hoa) thành nước tẩy rửa sinh học nhằm đẩy mạnh công tác phân loại, giảm thiểu rác thải dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên là sáng kiến của hai cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên. Sản phẩm nước tẩy rửa sinh học từ mô hình này được tỉnh Phú Yên chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Sản phẩm tẩy rửa sinh học ra đời từ một sáng kiến
Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din có địa chỉ tại thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên tiến hành sản xuất 2 dòng sản phẩm là nước tẩy rửa và nước lau sàn. Đầu năm 2022, hai dòng sản phẩm này được UBND tỉnh Phú Yên chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Cùng đó, tháng 8 năm 2022, sản phẩm nước rửa chén của Câu lạc bộ phụ nữ tự quản môi trường ở xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa được UBND tỉnh Phú Yên chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Những sản phẩm này là kết quả của quá trình nghiên cứu đầy tâm huyết của Thạc sĩ khoa học và quản lý môi trường Phan Thị Kim Oanh (SN 1979) và Thạc sĩ quản lý môi trường Huỳnh Huy Việt (SN 1985), hiện đang công tác tại Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên với sáng kiến “Các giải pháp nhân rộng mô hình phân loại, tái chế rác thực vật (vỏ trái cây, hoa) thành nước tẩy rửa sinh học nhằm đẩy mạnh công tác phân loại, giảm thiểu rác thải dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.
Chia sẻ với phóng viên về sáng kiến của mình, chị Phan Thị Kim Oanh cho biết: Hiện nay, trong công tác tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, Nhà nước và cộng đồng mới chỉ quan tâm đến vấn đề nâng cao tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa chú trọng việc phân loại, tận dụng triệt để nguồn rác hữu cơ, nhất là rác thực vật (vỏ trái cây, hoa) để biến thành sản phẩm và tăng giá trị của rác thải sau phân loại, hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc tận dụng thực phẩm thừa để chăn nuôi.
Chị Phan Thị Kim Oanh tiếp lời: Để khắc phục thực trạng trên, tỉnh Phú Yên cần quan tâm đẩy mạnh và khuyến khích cộng đồng phát triển các mô hình phân loại rác thải tại nguồn, tái chế thành sản phẩm hữu ích, nhất là giải pháp tái chế rác thực vật (vỏ trái cây, hoa) thành nước tẩy rửa sinh học vừa đơn giản nhưng có tính hiệu quả cao vì có khả năng thương mại. Khi cộng đồng thực hiện tốt công tác phân loại, tái chế, tái sử dụng rác, lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể, ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ không bức xúc như hiện nay. Do vậy, việc triển khai các giải pháp nhân rộng mô hình phân loại, tái chế rác thực vật (vỏ trái cây, hoa) thành nước tẩy rửa sinh học nhằm đẩy mạnh công tác phân loại, giảm thiểu rác thải dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên là hết sức cần thiết. Điều này sẽ góp phần giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường, tránh lãng phí nguồn rác hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính, giảm quá tải cho hạ tầng quản lý rác thải sinh hoạt.
Sản phẩm ưu việt với cuộc sống
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về giải pháp nâng cao chất lượng nước tẩy rửa sinh học, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên đã phối hợp với Hội đoàn thể và cơ quan liên quan chuyển giao và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển mô hình sản xuất nước tẩy rửa sinh học, trong đó có nhiều tổ chức phát triển thành sản phẩm thương mại.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Anh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa cho hay: Được Sở TN&MT Phú Yên hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ làm nước tẩy rửa sinh học, CLB “Tái chế chất thải hữu cơ thực vật thành nước tẩy rửa sinh học xã Bình Ngọc” do Hội LHPN xã Bình Ngọc quản lý đã tạo ra sản phẩm (nước lau sàn và nước rửa chén) có chất lượng với giá cạnh tranh (35.000 đồng/lít) chủ yếu từ vỏ cam được thu gom từ các điểm bán nước ép trái cây trên địa bàn thành phố. Sản lượng bán ra bình quân 1.500 lít/tháng với thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là trong tỉnh được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào tháng 8/2022.
Cuối năm 2021, chùa Bảo Lâm ở thành phố Tuy Hòa và chùa phật giáo Hòa Hảo Sơn Tự ở thị xã Sông Cầu là hai cơ sở thờ tự đầu tiên vận động tín đồ thu gom vỏ trái cây các loại (bưởi, cam, dứa) để quyên góp cho chùa sản xuất nước rửa chén, nước lau sàn sinh học nhằm phục vụ cho cở sở và nhu cầu của tín đồ trên cơ sở phối hợp hỗ trợ giữa Sở TN&MT và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Đặc biệt là với mô hình cơ sở sản xuất quy trình khép kín và tuần hoàn rác thải từ trái khóm (dứa), Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din chuyên chế biến sản phẩm từ trái khóm của địa phương, đặc biệt nhờ áp dụng phương pháp ủ nước tẩy rửa sinh học cải tiến, Hợp tác xã đã tận dụng vỏ khóm thải bỏ để sản xuất nước rửa chén và nước lau sàn sinh học với giá bán ra là 45.000 đồng/lít.
Trò chuyên với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din chia sẻ thêm: Bã sau ủ lên men được tận dụng cùng với cùi để ủ làm phân bón cây. Cách làm này tạo ra tính tuần hoàn rác thải, từ đó tạo thêm sản phẩm hữu ích góp phần tăng giá trị kinh tế cho quả khóm. Đầu năm 2022, hai sản phẩm trên đã được tỉnh Phú Yên chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao, góp phần tăng uy tín cho sản phẩm. Hiện nay, nhiều đơn vị ngoài tỉnh đã hợp tác để trở thành nhà phân phối để đưa sản phẩm có mặt trên toàn quốc.
Mô hình tái chế rác thành nước tẩy rửa sinh học là giải pháp biến rác thành tài nguyên, góp phần đẩy mạnh hoạt động phân loại rác dựa vào cộng đồng mang tính bền vững. Mô hình đã từng bước làm thay đổi suy nghĩ về trách nhiệm phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt không chỉ do Nhà nước thực hiện mà còn có sự chung tay của cộng đồng xã hội.
Mỹ Bình
Báo Tài nguyên và Môi trường
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/phu-yen-tai-che-rac-thuc-vat-thanh-nuoc-tay-rua-sinh-hoc-346756.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam