Năm 2005, Bàu Sấu được công nhận là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới, đồng thời là khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong việc khẳng định giá trị của khu Ramsar Bàu Sấu đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển du lịch phục vụ mục đích bảo tồn.
Nhiều ưu thế phát triển du lịch sinh thái
Bàu Sấu thuộc hệ bàu, hệ sinh thái nhạy cảm và đặc thù của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Nơi đây là sinh cảnh tuyệt vời của các loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là loài cá sấu nước ngọt (cá sấu Xiêm) – loài cá được Sách đỏ IUCN xếp vào danh mục các loài cực kỳ nguy cấp.
Khu ramsar Bàu Sấu có diện tích 13.759ha, bao gồm 5.360ha đất ngập nước theo mùa và 151ha đất ngập nước thường xuyên. Bao bọc xung quanh bàu là các mảng rừng, có nhiều vùng nước ngập sâu. Hệ động, thực vật vô cùng đa dạng phong phú: Phù du thực vật gồm 250 loài thuộc 7 ngành tảo; thảm thực vật với 127 loài thuộc 55 họ gồm các loài thực vật trên cạn, thực vật thủy sinh. Bên cạnh các loài thực vật đặc trưng cho khu vực nước ngập quanh năm còn có nhiều loài thực vật thích nghi với đời sống bán ngập nước hoặc độ ẩm cao.
Hệ động vật có động vật phù du, động vật đáy, các loài bò sát, ếch, cá, chim, thú… Mỗi loài có nhiều họ, bộ khác nhau, trong đó có nhiều loài quý như cá sấu nước ngọt, các loài chim nước, các loài thú lớn… Bàu Sấu cũng là một trong các vùng chim đặc hữu của vùng đất thấp Nam Việt Nam, bao gồm cả các loài bản địa và các loài chim di trú, trong đó, có các loài chim quý hiếm như hạc cổ trắng, công, già đẫy java, cò quắm cánh xanh, ngan cánh trắng…
Những năm qua, VQG Cát Tiên đã và đang tiến hành khai thác tiềm năng phát triển du lịch mà Bàu Sấu là một trong những điểm đến được quan tâm bởi Bàu Sấu không chỉ là khu đất ngập nước có hệ thực vật phong phú mà còn là một trong số ít nơi còn lưu giữ được di chỉ của nền văn hoá Óc Eo. Các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống khá đặc sắc của đồng bào các dân tộc S’tiêng, Châu Mạ sinh sống trong khu vực VQG và vùng phụ cận cũng trở thành những ưu thế để khai thác, phát triển loại hình du lịch.
Bên cạnh đó, Bàu Sấu còn là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập về sinh thái, sinh học, địa lí, thổ nhưỡng, đồng thời là nơi phù hợp với tham quan ngắm cảnh, giải trí. Tại đây, du khách được trải nghiệm không gian nghỉ dưỡng yên tĩnh, tận hưởng bầu không khí trong lành và tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt truyền thống…
Tuy nhiên, tại khu Ramsar Bàu Sấu – khu vực có nhiều ưu thế phát triển loại hình du lịch sinh thái vẫn chưa phát triển được những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn tạo sức cuốn hút du khách. Hiệu quả đem lại từ du lịch chưa cao. Vì vậy, một trong những chủ trương của VQG Cát Tiên đó là phát triển du lịch sinh thái, trong đó, Bàu Sấu sẽ là một trong những khu giữ vai trò hạt nhân của du lịch VQG. Theo Ban Quản lý VQG cho biết, mục tiêu của chủ trương nhằm phát huy nguồn lực thiên nhiên Bàu Sấu để thu hút du lịch, đồng thời, lấy nguồn lực du lịch làm động lực kích cầu cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị hệ sinh thái Bàu Sấu.
Khai thác phát triển du lịch gắn với bảo tồn hệ sinh thái
Từ chiến lược đầu tư đã được xác định, Ban Quản lý VQG Cát Tiên đã đề ra một số giải pháp khai thác phát triển du lịch và bảo tồn hệ sinh thái – đa dạng sinh học hợp lí, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững khu đất ngập nước Bàu Sấu.
Về công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững. Trong đó, xây dựng, thiết lập cơ chế gắn kết khu Ramsar Bàu Sấu vào tổng thể phát triển chung của VQG Cát Tiên với chức năng là “hạt nhân động lực” phát triển của Vườn và vùng phụ cận. Quy hoạch khu hệ Bàu Sấu thành khu du lịch thông qua việc mở các tuyến đường thủy, đường bộ trong khuôn viên bàu; đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch như lưu trú, ẩm thực, sức khỏe, vui chơi giải trí.
Phát triển các loại hình du lịch công vụ liên quan đến lĩnh vực khoa học, nghiên cứu. Loại hình du lịch này hướng đến các nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc các ngành nghiên cứu phù hợp như địa chất, thổ nhưỡng, sinh vật, văn hóa, bảo tồn,… Mục tiêu vừa thực hiện các khảo sát, nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến hệ sinh thái ngập nước, vừa kết hợp với nghỉ ngơi, ngắm cảnh, giải trí.
Một trong các loại hình cũng được ưu tiên lựa chọn đó là du lịch học tập nâng cao nhận thức và hiểu biết về khu Ramsar. Đối tượng hướng đến là các nhà trường có nhu cầu tìm hiểu nâng cao nhận thức, kiến thức về thiên nhiên, văn hóa đặc trưng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực “đặc biệt”, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn, tăng thêm lòng yêu thiên nhiên đất nước. Kết hợp tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thưởng thức những sản phẩm du lịch địa phương (ẩm thực, trái cây, đồ lưu niệm, ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm).
Về công tác tuyên truyền, Ban Quản lý VQG cho biết, sẽ tăng cường hoạt động quảng bá hình ảnh của khu Ramsar Bàu Sấu trên website chính thức của VQG Cát Tiên; trên báo chí, truyền hình, các kênh mạng xã hội như facebook, zalo; trên tờ thông tin hướng dẫn tuyến điểm du lịch VQG Cát Tiên. Tăng cường tham gia các hoạt động hội chợ du lịch và tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề quốc gia, quốc tế giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch của VQG nói chung và khu đất ngập nước Bàu Sấu nói riêng.
Cùng với xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng – vật chất kỹ thuật trong khu và VQG, Ban Quản lý VQG xác định tập trung đầu tư xây dựng kế hoạch phát triển nguồn lực con người phục vụ cho du lịch. Yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ nhân lực hiện đang tham gia các hoạt động bảo tồn và hoạt động du lịch, đồng thời tạo sự gắn kết để đảm bảo thống nhất trong hoạt động khai thác và bảo tồn.
Cùng với đó, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trong phát triển xây dựng mô hình cộng đồng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của dân cư địa phương, khách du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong quá trình khai thác phát triển sản phẩm, thực hiện các hoạt động du lịch. Giải quyết hài hòa mối quan hệ và đảm bảo ổn định các quyền lợi về kinh tế, xã hội và văn hóa cho các bên tham gia, đảm bảo du lịch phải góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống dân cư địa phương, khách du lịch phải được hưởng những sản phẩm du lịch chất lượng cao và doanh nghiệp du lịch phải có lợi ích kinh tế xứng đáng với đầu tư. Xác lập mối quan hệ bền vững giữa phát triển du lịch và bảo tồn xây dựng bộ qui ước chung có cơ sở pháp lí về vai trò và trách nhiệm giữa cơ quan quản lí bảo tồn, cơ quan quản lí du lịch và chính quyền địa phương để hạn chế tối đa những mâu thuẫn trong quản lí, bảo tồn và khai thác.
Đồng thời, tăng cường các nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển. Khuyến khích các nhà khoa học chuyên ngành (sinh học, môi trường, địa chất, qui hoạch, nhân học, khí hậu…) thực hiện các công trình nghiên cứu xác lập mối quan hệ và khẳng định “tuổi thọ” và độ bền vững của các thành phần trong hệ sinh thái thuộc khu Ramsar và toàn bộ VQG. Triển khai các nghiên cứu sâu rộng để xác định các giá trị kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, duy trì nền tảng văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương khi tiến hành khai các hoạt động du lịch.
Có thể thấy, phát triển du lịch sinh thái bền vững tại khu Ramsar Bàu Sấu không chỉ có mục tiêu đem lại lợi ích kinh tế lớn cho các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư địa phương, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là thông qua du lịch để tuyên truyền về ý thức bảo vệ hệ sinh thái độc đáo có vị trí quan trọng trong hệ sinh thái đất ngập nước quốc tế, quốc gia; thúc đẩy nghiên cứu khoa học tìm kiếm các giải pháp bảo vệ, bảo tồn; xây dựng một cộng đồng bảo vệ; thu hút nguồn lực từ du lịch để phục vụ trở lại cho công tác bảo tồn. Đây là một trong những giải pháp bảo tồn khả thi và hiệu quả mà Ban Quản lý VQG Cát tiên đang hướng tới.
Việt Hải – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/phat-trien-du-lich-de-bao-ton-he-sinh-thai-khu-ramsar-bau-sau-364093.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam