Những vườn táo nằm cạnh công trình thi công cao tốc Bắc – Nam ở Ninh Thuận không thể đậu trái, lá bám lớp bụi dày không thể quang hợp.
Nhiều người trồng táo cạnh các công trường thi công cao tốc ở Ninh Thuận đang điêu đứng vì táo bị ảnh hưởng trầm trọng, nguy cơ mất trắng.
Cây táo không thể đậu trái
Ông Nguyễn Đức Thắng, ngụ ở xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, ngậm ngùi phản ánh vụ táo năm nay gia đình ông gần như mất trắng.
Chỉ vào vườn táo đang chính vụ nhưng chỉ có thưa thớt vài chùm trái, ông Thắng kể đã bén duyên cùng cây táo gần 10 năm nay.
Ông Thắng nhớ lại những năm trước đây, đi vào vườn táo phải khom lưng để không bị quả đụng đầu. Mỗi ngày, thương lái tấp nập ra vào để hỏi mua. Vườn táo của ông mỗi vụ cho năng suất hơn 10 tấn, mang về cho gia đình khoảng 80 triệu đồng.
Vườn táo của ông Thắng nằm cạnh dự án cao tốc bị phủ một lớp bụi. Ảnh: HH |
Khi dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dự án thành phần dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông sắp triển khai, ông Thắng đã giao hơn 200 m2 cho nhà nước thực hiện dự án. Vườn táo 2.500 m2 còn lại vẫn được chăm sóc tươi tốt nằm cạnh dự án trọng điểm quốc gia. Ông Thắng còn đầu tư hơn 50 triệu đồng để bao lưới cả vườn táo.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, hai vụ vừa qua, vườn táo gần như mất trắng. Mỗi vụ chỉ thu được gần hai tấn nhưng giá táo rất thấp do thương lái chê táo bẩn và không ngọt. Gia đình ông thiệt hại khoảng 90%.
Theo ông Thắng, nguyên nhân là do xe chở vật liệu thi công ngày đêm di chuyển, cùng với mùa gió của xứ Ninh Thuận khiến bụi bay mù mịt. Vườn táo nhà ông phủ kín bụi khiến cho hoa táo không thể thụ phấn, đậu trái. Lá bị bám một lưới bụi dày nên không thể quang hợp, làm cây táo kém phát triển.
Ngoài ra, lưới bao vườn bị bụi bám gây mục, rách. “Đơn vị bán lưới bảo hành ba năm nhưng mới hơn một năm họ không chịu bảo hành nữa. Họ nói do bụi bám nhiều quá, lưới bị rách nên không bảo hành” – ông Thắng nói.
Lá táo bị bụi bám không thể quang hợp. Ảnh: HH |
Đứng nhìn vườn táo và buông tiếng thở dài, ông Thắng chia sẻ dù không có trái nhưng vẫn phải bỏ chi phí phân thuốc, chăm sóc để giữ lại gốc táo. “Trước đây, người ta thường xin cắt cành về cho dê ăn. Bây giờ kêu cho họ cũng không cắt vì bụi bám đầy lá, dê không ăn được. Gia đình lại phải tốn chi phí thuê công cắt cành” – ông Thắng rầu rĩ.
Cùng cảnh ngộ với ông Thắng, vườn cây cảnh và cây giống của anh Võ Duy Phước nằm cạnh dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cũng bị ảnh hưởng bởi bụi từ thi công dự án. Anh Phước phải nghỉ bán cây giống.
“Tôi phải đưa hai con nhỏ đi nơi khác sống tạm để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe. Chừng nào dự án thi công xong mới ổn định lại” – anh Phước cho biết.
Cần có giải pháp khắc phục
Ông Đặng Tuấn Ninh, công chức Địa chính – nông nghiệp – xây dựng – môi trường UBND xã Phước Sơn, cho biết qua khảo sát có 13 hộ với diện tích 2,7 ha trồng cây táo ở địa phương này bị ảnh hưởng do thi công cao tốc.
Theo ông Ninh, khi phát hiện cây táo bị bụi từ thi công cao tốc gây ảnh hưởng, người dân đã tìm biện pháp khắc phục như phun nước rửa. Tuy nhiên, thời gian thi công kéo dài nên không hiệu quả. Người dân đành bất lực nhìn nhiều cây táo ngày càng suy kiệt.
Xã Phước Sơn có 13 hộ dân trồng táo bị ảnh hưởng do thi công cao tốc. Ảnh: HH |
Ông Ninh cho biết cây táo bị bụi bám sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh trưởng. Bụi bám vào lá sẽ khiến cây không thể quang hợp, chậm phát triển và dần suy kiệt. Bụi cũng khiến hoa táo không thể thụ phấn để đậu trái.
Quá trình thi công, đơn vị thi công có phun nước tuy nhiên vẫn không hạn chế được tình trạng bụi gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Trả lời phóng viên, ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận đã đến hiện trường kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra, tình trạng cây táo bị bám bụi đúng như người dân đã phản ánh.
Chi cục Bảo vệ thực vật đã có biên bản tham mưu cho Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận trình UBND tỉnh. “Chúng tôi đang họp để phân công lãnh đạo huyện làm việc với Ban quản lý dự án yêu cầu có biện pháp hạn chế tối đa gây bụi ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân” – ông Nguyên thông tin.
Đại diện Ban quản lý dự án cho biết khí hậu Ninh Thuận vào mùa nắng nóng và gió nên cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị thi công có phương án tăng cường tưới nước liên tục, chống bụi. Đồng thời phối hợp cùng địa phương để xử lý những kiến nghị của người dân.
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam