Nâng cao năng lực bảo tồn động vật hoang dã

Nhằm phát triển năng lực và tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi tham gia công tác bảo tồn thiên nhiên, Trung Tâm Hành Động Vì Động Vật Hoang Dã Việt Nam (WildAct) đã hợp tác cùng Viện Khoa Học và Công Nghệ Môi Trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội (INEST) tổ chức khóa học Phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép (CWT) 2023.

Nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là mối nguy hại đối với sự sinh tồn của nhiều loài động vật, trong đó có con người. Buôn bán động vật hoang dã trái phép cũng tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, gây ra mối đe dọa đến an ninh quốc gia và thế giới. Do đó, khóa học được tổ chức với mong muốn cung cấp kiến thức về các chủ đề bảo tồn động vật hoang dã cũng như nâng cao năng lực và tạo dựng cơ hội cho những người trẻ tuổi tham gia công tác bảo tồn thiên nhiên.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ về những kiến thức về thực trạng Động vật Hoang dã tại Việt Nam

Khóa học diễn ra trong 12 ngày với nhiều nội dung về thực trạng công tác bảo tồn tại Việt Nam và thế giới. Tham gia khóa học, ngoài việc học lý thuyết, các học viên còn được tham gia thực hành phát triển kỹ năng nhận diện loài; quan sát, phân biệt các tập tính của các loài thú;… Đặc biệt, tham gia khóa học năm nay, học viên sẽ được trải nghiệm trực tiếp vào các công việc bảo tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Cụ thể, các nội dung trong khóa học bao gồm: Pháp luật Việt Nam về phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép; Tình hình buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam; Buôn bán động vật hoang dã trên mạng xã hội và công tác bảo tồn, cứu hộ rùa tại Việt Nam; Lịch sử nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam và công tác cứu hộ, bảo tồn gấu;…

Học viên tham gia đóng góp ý kiến và trao đổi, thảo luận

Khóa học có sự góp mặt giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên trực tiếp có kinh nghiệm trong ngành bảo tồn. Song song với đó là nội dung chia sẻ thực tiễn từ khách mời đến từ những tổ chức bảo tồn lớn đang hoạt động tại Việt Nam: Tổ chức bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á – Indo-Myanmar Conservation (ATP/IMC), Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR), Học viện Cảnh sát Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường ĐH Bách khoa Hà Nội (INEST – HUST).

Khóa học giúp học viên có cái nhìn thực tế hơn về ngành, qua đó tìm hiểu mức độ phù hợp của bản thân với ngành nghề bảo tồn, đồng thời, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới và tự nắm bắt cơ hội nghề nghiệp trong ngành bảo tồn.

Khóa học Phòng chống Buôn bán ĐVHD trái phép được lần đầu tổ chức vào năm 2019. Sau 4 năm tổ chức, khóa học đã đạt được những kết quả ấn tượng:

  • 40.3% học viên sau khi tham gia khóa học đang công tác trực tiếp trong ngành bảo tồn tại các VQG, KBT, các đơn vị NGO trong nước và quốc tế.
  • 26.9% học viên trong vòng 3 tháng kể từ khi tốt nghiệp khoá học xin được việc làm, ngay cả khi trước khi tham gia khóa học đang làm việc trong lĩnh vực khác; và/hoặc được thăng chức, nhận giải thưởng và/hoặc học bổng trong ngành bảo tồn.

Hoàng Hiền – Báo Tài nguyên và Môi trường

Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/nang-cao-nang-luc-bao-ton-dong-vat-hoang-da-357224.html

Tin cùng chuyên mục: