Điểm du lịch tự phát nhà thờ đổ thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đang hiện hữu nhiều nguy cơ mất an toàn vì gắn liền với một công trình nhà thờ nằm ngay chân sóng, trong tình trạng “sắp đổ” những phần còn lại. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác tràn lan dọc bãi biển đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan và hệ sinh thái.
Theo tìm hiểu, nhà thờ đổ trước kia là một khu vực hoang sơ, khu vực này xưa kia là nơi sinh sống đông đúc của dân cư xã Hải Lý. Qua thời gian, do biến đổi khí hậu, xâm thực của biển, đê biển đã chuyển tuyến vào phía trong và nhân dân cũng đã vào trong đê để sinh sống. Hiện nay tại đây chỉ còn lại một số công trình hư hỏng, trong đó có nhà thờ của giáo dân (còn lại phần tháp chuông và một số bức tường).
Những năm gần đây khu vực nhà thờ đổ ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu thu hút rất đông người trong và ngoài tỉnh về tham quan, du lịch, từ đó xuất hiện nhiều hàng quán phục vụ hoạt động vui chơi, ăn uống… biến nơi đây thành một điểm du lịch tự phát.
Tại điểm du lịch tự phát này hiện đang xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi của những hộ kinh doanh dịch vụ cùng khách đến tham quan, khiến môi trường bờ biển ở đây luôn trong tình trạng nhếch nhác, tràn ngập rác thải, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cảnh quan và hệ sinh thái.
Trước tình trạng hoạt động tự phát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và việc xả rác thải gây ô nhiễm môi trường, ngày 26/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định có văn bản gửi UBND huyện Hải Hậu, nơi có điểm du lịch nhà thờ đổ Hải Lý về việc đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai tại khu vực này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, vì khu vực nhà thờ đổ xã Hải Lý nằm ngoài đê biển, thường xuyên chịu tác động của triều cường, sóng lớn, hàng năm lại chịu ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới do đó khu vực này có nguy cơ rủi ro rất cao trước thiên tai.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định đề nghị chính quyền huyện Hải Hậu thực hiện một số công việc, gồm: Tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm; chỉ đạo các phòng ban chức năng của huyện, UBND xã Hải Lý tăng cường công tác quản lý nhà nước tại khu vực nhà thờ đổ; kiểm tra, rà soát quản lý các hoạt động tại khu vực Nhà thờ đổ theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, thường xuyên thông báo các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai. “Nếu khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi thời tiết nguy hiểm, sóng lớn, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới… cần chủ động sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; kiểm tra phát hiện sớm các sự cố công trình (nếu có) để có phương án xử lý kịp thời; hướng dẫn, giám sát và thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm”, văn bản nhấn mạnh.
Bên cạnh việc đến khu vực nhà thờ đổ Hải Lý tham quan, ăn uống, nhiều du khách còn về đây tắm biển trong tình trạng không áo phao và các điều kiện đảm bảo an toàn khác, không ít sự cố đã xảy ra. Gần đây nhất, vào cuối tháng 5/2023, đã có 2 du khách về đây tắm biển trong tình trạng sóng lớn, người tắm không được trang bị áo phao, bị sóng cuốn ra xa bờ. Rất may, họ được những người có mặt tại đây cứu sống và đưa vào bờ an toàn.
Việt Linh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/nam-dinh-rac-ngap-va-tiem-an-nhieu-rui-ro-tai-diem-du-lich-tu-phat-363660.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam