Làm dày “lá phổi xanh” trước tác động của biến đổi khí hậu

Một trong những hành động thiết thực làm dày thêm “lá phổi xanh” trước tác động xấu của biến đổi khí hậu, vừa qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé phối hợp với Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường) trồng 40.000 cây xanh, góp phần tái tạo phục hồi tái sinh vào hệ sinh thái nơi đây.

Trở lại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé những ngày cuối tháng 6, chúng tôi đi thăm lại những cánh rừng xanh tái sinh, rừng đặc dụng nằm bên ngoài khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn. Nơi đây thường được ví như “lá phổi xanh” của huyện Mường Nhé nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung bởi có diện tích tương đối lớn (trên 46.000ha) với hệ sinh thái rừng phong phú, thảm thực vật đa dạng và độ che phủ rừng cao trên 50%.

Nằm trải dài trên đường biên giới Việt – Lào và Việt – Trung, che chắn 5 xã vùng đệm là: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè (huyện Mường Nhé), Khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn không chỉ mang lại nguồn thu nhập, lợi ích cho chủ rừng, cộng đồng thôn bản mà còn lá tấm lá chắn bảo vệ người dân trước thiên tai, là nơi thanh lọc môi trường, đào thải khí độc, tạo ra bầu sinh thái trong lành và hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cho biết: “Thời gian qua, tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người, sự sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi và phát triển môi trường, hệ sinh thái. Xác định được tầm quan trọng của việc giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với nền nông nghiệp và cuộc sống, vừa qua, Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã trồng 40.000 cây xanh trong khu bảo tồn, nhằm góp phần tái tạo, phục hồi, tái sinh rừng và hệ sinh thái, giúp làm hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”.

Cán bộ và người dân Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé trồng cây xanh tại khoảnh 14, tiểu khu 61.

Số cây xanh được trồng chủ yếu là: giổi và vối thuốc, trồng tập trung tại khoảnh 14, tiểu khu 61 của khu bảo tồn, thuộc địa bàn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Sau hai tháng triển khai trồng và chăm sóc, đến nay các cây giống đã bén rễ và sinh trưởng tốt. Dự kiến sau 5 năm sẽ thành rừng, phủ xanh vào hệ sinh thái khu bảo tồn và giúp cải thiện đáng kể môi trường không khí trong tỉnh.

Được biết, việc trồng nhiều cây giổi và vối thuốc trong khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé do Trung tâm Truyền thông TN&MT triển khai theo Quyết định 524/QĐ-TTg, ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và triển khai Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050. Mục đích của đề án nhằm góp phần tái tạo, phục hồi, tái sinh rừng và hệ sinh thái, giúp làm hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung.

Trong đề án, các chuyên gia của Trung tâm Truyền thông TN&MT cũng nhận mạnh: Theo tính toán của các nhà khoa học, với 5ha giổi xanh, trong 5 năm tới, dự tính lượng CO2 hấp thu khoảng 44,57 tấn; sau 10 năm sẽ hấp thụ 89,14 tấn CO2. Với vối thuốc thì chưa có nghiên cứu về việc hấp thu CO2, song loài cây này cũng góp phần quan trọng để điều hòa khí hậu, giữ gìn môi trường và hệ sinh thái.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) giữ vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ rừng.

Tham gia trồng cây từ những ngày đầu, ông Chu Khai Phạ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé tâm sự: “Từ xa xưa, người dân tộc Hà Nhì chúng tôi đã sống dựa vào rừng, nên chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia trồng những cây xanh trong đề án của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi cây xanh không chỉ lấp vào khoảng trống, tăng độ che phủ rừng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế thiên tai, giúp đời sống bà con chúng tôi càng thêm an toàn. Vì vậy, khi diện tích này trồng xong, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với cơ quan chức năng bảo vệ, chăm sóc thật tốt”.

Không chỉ các cây mới trồng, những ngày này, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé còn triển khai kế hoạch chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng cao điểm cho những cánh rừng già, rừng đặc dụng bạt ngàn của khu bảo tồn, quyết tâm không để xảy ra tác động xấu nào gây ảnh hưởng lên “lá phổi xanh” của tỉnh, nhất là trong giai đoạn môi trường khí hậu đang biến đổi khắc nghiệt như hiện nay.

Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cho biết thêm: Rừng bảo tồn có vai trò quan trọng nhằm bảo tồn thảm thực vật, những cánh rừng nguyên sinh và lưu giữ nguồn gen quý hiếm; bảo vệ đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn còn đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ khí Carbon dioxide (CO2) và cung cấp oxygene (O2) cho khí quyển, giúp điều hòa khí quyển, cải thiện điều kiện vi khí hậu. Vậy nên, hoạt động trồng cây lần này đã đóng góp hàng nghìn cây xanh cho rừng đặc dụng; đây là cơ sở để bảo vệ và tái tạo các giá trị, chức năng của hệ sinh thái rừng trong khu bảo tồn.

Hoàng Châu – Báo Tài nguyên và Môi trường

Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/lam-day-la-phoi-xanh-truoc-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-359594.html

Tin cùng chuyên mục: