Đến 18h ngày 29/5, một số điểm úng ngập sau cơn mưa lớn chiều nay trên địa bàn Thành phố đã được lực lượng nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội giải quyết thoát nước kịp thời, mức độ ngập úng giảm. Dự kiến, đến 19h30 các điểm ngập úng sẽ rút hết nước.
Cơn mưa lớn chiều nay gây ngập úng tại đoạn đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy. Ảnh: VGP/Gia Huy
Do ảnh hưởng của các vùng mây đối lưu, trên địa bàn Thành phố xảy ra mưa trên diện rộng với lượng mưa từ 70-180mm, thời gian mưa tập trung từ thời điểm 13h30 đến 15h30. Lượng mưa đo được tại thời điểm 17h30 một số khu vực cụ thể như sau:
Tại quận Hoàn Kiếm là 72,8 mm, quận Ba Đình là 114,5 mm, quận Hai Bà Trưng là 104,6mm, quận Hoàng Mai là 110,1mm; quận Cầu Giấy cao nhất với 181,5mm, quận Tây Hồ là 160,0mm, quận Nam Từ Liêm là 130,4mm…
Công ty Thoát nước Hà Nội cắm biển cảnh báo ngập tại một tuyến đường trên quận Tây Hồ. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Mực nước trên hệ thống sông, hồ điều hòa tại thời điểm 17h30 ngày 29/5 đã hạ so với thời điểm lúc 16h ngày 29/5, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, do cường độ mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa lớn nhất 180mm/2h nên xuất hiện tình trạng úng ngập cụ thể theo từng lưu vực như sau:
Lưu vực Tô Lịch:Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Liễu Giai, Tôn Đản, Thụy Khuê, Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chính, Yên Duyên (đường Vành đai 3), Trương Định, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Thái Hà, Nguyễn Khuyến, Bùi Xương Trạch, Phùng Khoang, Vũ Trọng Phụng – Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Quan Nhân, Triều Khúc, Ngọc Hồi, Nguyễn Xiển…
Đoạn ngập trên con ngõ gần đường Võ Chí Công, Tây Hồ. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Lưu vực sông Nhuệ (do Công ty thực hiện duy trì): Phú Xá (ngã 3 Phú Xá – Phúc Hoa), Trần Cung, Phan Văn Trường,Trần Bình, Dương Đình Nghệ – Nam Trung Yên (sau Keangnam), Đỗ Đức Dục.
Lưu vực Long Biên (diện tích khoảng 62km2): Trục thoát nước ngõ 80 Hoa Lâm, gầm cầu chui xe lửa Bắc Đuống, Đức Giang, Nam Đuống (trước tòa nhà An Quý Hưng).
Nhân viên Công ty Thoát nước Hà Nội xử lý thoát nước kịp thời tại một số tuyến phố. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Để bảo đảm công tác phòng, chống úng ngập, ngay khi có mưa, Công ty đã triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý; đồng thời vận hành các cửa phai hồ Bảy Mẫu, Đầm Chuối, Hố Mẻ…và các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống.
Ảnh: VGP/Diệu Anh
Tại thời điểm mưa lớn, công ty đã vận hành hết công suất các trạm bơm đầu mối, trạm bơm điều tiết cụ thể trạm bơm Yên Sở vận hành 18/20 bơm, Đồng Bông 1 vận hành 14/14 bơm, Cổ Nhuế 3/3 bơm…
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, tình hình thoát nước tại các lưu vực như sau: Lưu vực Tô Lịch về cơ bản đã rút hết nước, chỉ tồn tại một số vị trí ứ đọng nước trên phố Cao Bá Quát, Liễu Giai, Thụy Khuê, Nguyễn Chính, Triều Khúc. Do vận hành tối đa công suất trạm bơm Yên Sở nên mực nước trên hệ thống rút nhanh, mức độ úng ngập giảm, dự kiến đến thời điểm 19h30 các điểm ngập trên sẽ rút hết nước.
Lưu vực sông Nhuệ, do mực nước sông Nhuệ dâng cao nên vẫn tồn tại các điểm ngập Trần Cung, Trần Bình, Phan Văn Trường. Công ty đã bố trí lực lượng, thiết bị để giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng do mưa lớn gây ra.
Nhiều tuyến đường đến thời điểm hiện tại đã hết ngập úng. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Lưu vực Long Biên, về cơ bản đã rút hết nước, giao thông đi lại bình thường.
Các thông tin lượng mưa, chế độ vận hành trạm bơm, cửa phai và tình hình úng ngập được cập nhật theo thời gian thực về Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước và lên phần mềm HSDC Maps. Đồng thời các thông tin phản ánh của người dân về tình trạng thoát nước trên các tuyến phố như phố Phan Văn Trường, 89 Lạc Long Quân, ngã 5 Bà Triệu, Trịnh Công Sơn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Tuân, Xuân Thủy… đã được Công ty tiếp nhận và cử lực lượng xử lý tại hiện trường.
Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, vùng mây dông này sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng ra các khu vực quận/ huyện khác trên khu vực Hà Nội và gây mưa rào và có lúc có dông. Các lực lượng, phương tiện của Công ty tập trung làm vệ sinh, kiểm tra thanh thải bảo đảm thông thoáng dòng chảy bị ảnh hưởng do mưa, vận hành các cửa phai, trạm bơm nhằm hạ mực nước trên toàn bộ hệ thống sẵn sàng đón mưa tiếp theo.
Diệu Anh
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (https://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-nhieu-tuyen-duong-ung-ngap-sau-con-mua-lon-103220529200625423.htm)
29/05/2022 7:22 PM
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội: Chuẩn bị nguồn lực để áp dụng phân loại rác tại nguồn
Lào Cai: Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã
Bến Tre: Tăng cường bảo vệ môi trường trong dịp Tết
Hành trình khởi tạo môi trường xanh
Hà Nội: Ô nhiễm không khí chạm mức nguy hiểm
Bao bì kẹo cao su và một số đồ uống đóng chai không phải thực hiện tái chế
Đắk Nông: Nhiều chuyển biến tích cực trong thu gom, xử lý rác sinh hoạt
TP. Vị Thanh (Hậu Giang): Hỗ trợ 474 thùng rác cho các hộ dân
TP.HCM: Ra mắt ứng dụng phân loại và thu gom rác tái chế
Đắk Lắk: Làm việc với KOICA về dự án nước thải đô thị
Phiên họp thứ nhất của Đoàn Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Bộ TN&MT ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm