Nắng nóng gay gắt kéo dài nên hàng nghìn héc-ta rừng tràm do Ban Quản lý rừng (Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh Cà Mau) được phân công quản lý bị khô hạn ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Buổi thực tập phương án PCCR vừa được Ban Quản lý rừng phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (Hạt Kiểm lâm U Minh) và Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Công an tỉnh Cà Mau tổ chức tại huyện U Minh. Với tình huống giả định là lực lượng chòi canh phát hiện đám cháy ở tiểu khu 42 và liên tiểu khu U Minh vào buổi trưa, Ban Quản lý rừng đã điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ để xử lý nhưng đám cháy lan nhanh, vượt tầm kiểm soát nên phải đề nghị các đơn vị đứng chân trên địa bàn chi viện lực lượng, phương tiện chữa cháy. Các đơn vị đã khẩn trương cơ động đến hiện trường, phối hợp chặt chẽ dập lửa cứu rừng. “Thực tập phương án PCCR giúp chúng tôi nắm chắc các phương pháp, kỹ thuật rải ống phun nước, nắm bắt hướng lửa, hướng gió để bố trí máy bơm sao cho phù hợp, kịp thời dập lửa, không để cháy lan. Buổi thực tập cũng góp phần nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” và kỹ năng chữa cháy của lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ”, Thiếu tá Nguyễn Vũ Khoa, Trưởng ban Quản lý rừng, chia sẻ.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Quản lý rừng, Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh Cà Mau thực tập phương án phòng, chống cháy rừng. |
Theo Đại úy Trần Thanh Hải, Phó trưởng ban Quản lý rừng, đơn vị đang quản lý hơn 1.300ha rừng tràm tại huyện U Minh, trong đó hơn 500ha ở tiểu khu 42 và tiểu khu 46 có nhiều lớp thực bì dày đặc, nước bốc hơi nhanh do nắng nóng kéo dài nên nguy cơ cháy rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với phương châm phòng là chính, ngay từ đầu mùa khô, Ban Quản lý rừng đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ và PCCR; thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ trực, tuần tra, canh gác; chuẩn bị lực lượng, bổ sung phương tiện, dụng cụ PCCR. Cùng với thực hiện tốt việc kiểm soát người và các phương tiện ra vào rừng, Ban Quản lý rừng còn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên sử dụng thành thạo phương tiện, dụng cụ chữa cháy; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các cống giữ nước; bổ sung chòi canh lửa quanh khu vực rừng; bố trí các máy bơm nước công suất lớn, máy bơm nhỏ để dễ dàng cơ động ở khu vực hẹp; phối hợp với các đơn vị có rừng đứng chân trên địa bàn tổ chức tuần tra, trao đổi tình hình, luyện tập các phương án PCCR.
Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cho hay: “Công ty chúng tôi đang quản lý hơn 24.000ha rừng tràm. Diện tích rộng, có những khu vực rất khó quan sát nên chúng tôi thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý rừng để nắm tình hình, kịp thời chia sẻ thông tin và các biện pháp PCCR. Nhờ đó, nhiều năm qua chưa để xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại”.
Được biết, vào mùa khô hằng năm, Ban Quản lý rừng còn phối hợp với Ban CHQS huyện U Minh tổ chức huấn luyện cho dân quân các xã trên địa bàn về kỹ thuật sử dụng các phương tiện chữa cháy; phối hợp với lực lượng dân quân tăng cường túc trực tại những khu vực có nguy cơ cháy cao; tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống trên lâm phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ và PCCR, không tự ý vào rừng lấy mật ong, bắt cá, khai thác tràm… Chiến sĩ dân quân Ngô Đỉnh Em ở xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: “Trong thời gian huấn luyện, chúng tôi được hướng dẫn, thực hành sử dụng các phương tiện chữa cháy, kỹ thuật quăng ống, thu ống, lắp ống chữa cháy; nắm chắc những kỹ thuật khi cơ động trên các địa hình trống trải, rậm rạp và xử lý tình huống khi lửa cháy lan, cháy lớn”.
Việc chủ động triển khai các biện pháp PCCR như cách làm của Ban Quản lý rừng đã góp phần giữ bình yên, an toàn cho “lá phổi xanh” ở tận cùng phía Nam Tổ quốc.
Bài và ảnh: QUANG ĐỨC – Báo Quân đội nhân dân
Link nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giu-an-toan-cho-la-phoi-xanh-716603
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội: Chuẩn bị nguồn lực để áp dụng phân loại rác tại nguồn
Lào Cai: Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã
Bến Tre: Tăng cường bảo vệ môi trường trong dịp Tết
Hành trình khởi tạo môi trường xanh
Hà Nội: Ô nhiễm không khí chạm mức nguy hiểm
Bao bì kẹo cao su và một số đồ uống đóng chai không phải thực hiện tái chế
Đắk Nông: Nhiều chuyển biến tích cực trong thu gom, xử lý rác sinh hoạt
TP. Vị Thanh (Hậu Giang): Hỗ trợ 474 thùng rác cho các hộ dân
TP.HCM: Ra mắt ứng dụng phân loại và thu gom rác tái chế
Đắk Lắk: Làm việc với KOICA về dự án nước thải đô thị
Phiên họp thứ nhất của Đoàn Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Bộ TN&MT ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm