Trong suốt chiều dài lịch sử, ao, hồ luôn có vai trò vô cùng quan trọng với cuộc sống của người dân Thủ đô. Những “lá phổi xanh” không chỉ có tác dụng điều hòa không khí, chống ngập úng, tạo cảnh quan đô thị mà còn trở thành điểm đến ưa thích của người dân. Thế nhưng, nhiều năm qua, không ít ao, hồ trên địa bàn Thành phố đã và đang bị san lấp, lấn chiếm…
Hệ thống ao, hồ đang giảm dần
Thủ đô ngàn năm văn hiến được biết đến là một đô thị có hệ sinh thái cảnh quan phong phú với hệ thống ao, hồ và cây xanh đa dạng. Trong quá trình chuyển mình để trở thành đô thị hiện đại, vai trò của hệ thống ao, hồ Hà Nội càng quan trọng hơn trong chức năng sinh thái xã hội, môi trường, điều hòa ngập úng, điều hòa không khí và giúp Hà Nội thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều hồ ở Hà Nội gắn liền với các địa danh văn hóa, lịch sử tâm linh tạo nên những giá trị văn hóa riêng cho Hà Nội.
Không chỉ như những “lá phổi xanh” điều hòa không khí, chống ngập úng, tạo cảnh quan đô thị, nhiều ao, hồ còn trở thành những “điểm đến” ưa thích của người dân. (Ảnh: Kim Tiến)
Mang nhiều ý nghĩa như vậy, nhưng do sự phát triển của Thủ đô, theo thời gian, số lượng ao, hồ trên địa bàn Thủ đô sụt giảm một cách đáng báo động. Nguyên nhân xuất phát từ việc san lấp để nhường chỗ cho các dự án. Diện tích, số lượng ao, hồ bị thu hẹp cũng đã gây ra nhiều hệ lụy: Ngập lụt, ô nhiễm không khí, hệ sinh thái bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống của cư dân khu vực bị giảm sút… Nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cũng bị phôi phai theo sự sụt giảm của hệ thống ao, hồ.
Có thể thấy, quá trình đô thị hoá và tăng trưởng dân số đã dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng. Ao, hồ là một trong những mục tiêu lấn chiếm, san lấp. Đặc biệt, các ao, hồ chưa được kè hoặc chỉ kè một phần luôn đứng trước những nguy cơ bị san lấp, lấn chiếm để làm dự án, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt. Hiện tượng này cũng đã nhiều lần được nhân dân viết đơn kiến nghị, các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tin phản ánh, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Trên thực tế, mới đây, câu chuyện lấn hồ làm dự án tại hồ Bà Đồ (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cũng đã khiến cho không chỉ người dân sinh sống nơi đây, mà dư luận Hà Nội và cả nước cũng lên tiếng phản đối. Thậm chí người dân sống tại đây cũng đã viết đơn kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Trước phản ứng của các hộ dân, cuối tháng 3/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên đã quyết định tạm dừng việc san lấp để đối thoại với người dân. Thế nhưng, số phận của hồ Bà Đồ đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Qua vụ việc, có thể thấy được rằng, người dân Thủ đô đã dần nhận ra tầm quan trọng của ao, hồ đối với không gian sống và môi trường sống. Không thể vì sức hấp dẫn của việc kinh doanh bất động sản mà đánh đổi ao, hồ lấy nhà cao tầng, khu đô thị.
Nói về tình trạng ao, hồ hiện nay đang dần bị san lấp, lấn chiếm để làm dự án, chị Lê Thị Lý (Yên Sở, Hoàng Mai) tỏ ra tiếc nuối. Theo chị Lý, cách đây khoảng 10 năm, khu vực các quận như Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam – Bắc Từ Liêm, Tây Hồ là những vùng có nhiều ao, hồ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá và tăng trưởng dân số đã dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cao. “Tôi đọc báo thì được biết theo kế hoạch sử dụng đất, khu vực hồ nước gần bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 gần chỗ tôi ở đã được đưa vào kế hoạch sử dụng. Theo đó, khu vực này sẽ được thu hồi, san lấp để xây dựng dự án khu đô thị. Ở Hà Nội rất hiếm để có được một hồ nước, có hồ nước thì cả khu vực sẽ rất thoáng mát, nó giống như lá phổi xanh vậy. Do vậy khi đọc được thông tin ở đây có dự án xây dựng tôi rất tiếc nuối”, chị Lý cho biết.
“Lấp dễ nhưng đào sẽ rất khó”
PGS.TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội cho rằng, tại nhiều nước trên thế giới, cây xanh, hồ nước được ví như “lá phổi xanh” của đô thị. Ao, hồ, cây xanh giúp điều hoà không khí, giảm khói bụi và tăng cường sức khoẻ, ổn định đời sống dân cư. Trong các bản quy hoạch, các đô thị lớn đều tránh những nơi có cây xanh, hồ nước tự nhiên để thực hiện dự án. Thậm chí, họ còn tạo ra nhiều hồ nước nhân tạo để góp phần điều hòa không khí, tạo cảnh quan.
Trước đây, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều ao, hồ nhất cả nước. Theo bản đồ năm 1958, Hà Nội phải có đến 40-50% là hồ. Mỗi ao, hồ đều có vẻ đẹp và giá trị lịch sử riêng biệt, làm nên một phần hồn cốt của Thăng Long nghìn năm văn hiến, đồng thời cũng là điểm nhấn khác biệt thu hút du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh các giá trị về văn hóa, ao, hồ Hà Nội còn có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo lập môi trường sống, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng, ao, hồ cùng với hệ thống cây xanh quanh hồ được ví như “lá phổi xanh” giúp làm mát, thanh lọc không khí, giảm bụi, giảm tiếng ồn, giảm bức xạ của mặt trời…
“Tuy nhiên, tại Hà Nội, nhiều năm qua, không ít các hồ nước là “nạn nhân” của tình trạng “bê tông hóa”. Các công trình, dự án mọc lên từ những hồ nước tự nhiên bị san lấp. Hệ quả nhãn tiền mà ai cũng có thể thấy đó là môi trường sống, không gian sống của người dân Thủ đô bị ảnh hưởng. Diện tích ao, hồ bị thu hẹp cũng làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị, khiến tình trạng ngập úng lan rộng. Đã có thời gian người dân Hà Nội quen với cảnh “cứ mưa là lụt”. Do đó, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của cộng đồng”, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nhận định: Ao hồ, các thủy vực nói chung cùng với công viên cây xanh được xem là “lá phổi xanh” của Thành phố. Nâng cao chất lượng sống của người dân đó là mục tiêu của chính quyền các cấp ở Hà Nội, trong đó, môi trường sống được coi là rất quan trọng. Những người đứng đầu Nhà nước cũng đã khẳng định, chúng ta không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, cho nên việc giữ môi trường an lành cho người dân là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, sông, hồ cây xanh, hồ nước được ví như “lá phổi xanh” của đô thị. Ao hồ, cây xanh giúp điều hoà không khí, giảm khói bụi và tăng cường sức khoẻ, ổn định đời sống dân cư. Chính vì vậy, bà An cho rằng, các hồ đang hiện có ở Hà Nội cần được giữ nguyên, bởi “lấp đi thì dễ nhưng tạo ra hồ mới rất khó”; do vậy, khi quy hoạch, đề nghị phải nghiên cứu kĩ, đừng lấp hồ nữa mà hãy giữ lại các ao hồ nguyên vẹn.
“Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, những năm qua, nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để bảo vệ sông, hồ đã và đang được Hà Nội chú trọng thực hiện. Có thể lấy ví dụ tại hồ Tây, hồ Linh Đàm và một số ao hồ trên địa bàn Hà Nội việc cải tạo cũng đã được các cấp chính quyền và người dân chung tay thực hiện. Hiện nay, việc giữ gìn tốt “lá phổi xanh” cũng chính là cách để ươm mầm cho hàng loạt những lợi ích to lớn về môi trường, khí hậu, cảnh quan, nguồn sinh kế ổn định cả trước mắt và lâu dài”, bà An nhấn mạnh./.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 – 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Ba Đình số hồ vẫn giữ nguyên và có thêm 2 hồ; quận Hoàn Kiếm giữ nguyên hiện trạng; quận Đống Đa mất 4 hồ, không có hồ thêm; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ. Ngoài việc giảm số lượng, tổng diện tích mặt nước ao, hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845 m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305 m2. Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540 m2.
Kim Tiến – Tuấn Dũng
Nguồn: Báo Lao động Thủ đô điện tử (https://laodongthudo.vn/giu-nhung-la-phoi-xanh-cho-thu-do-139543.html)
05/05/2022 13:10
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội: Chuẩn bị nguồn lực để áp dụng phân loại rác tại nguồn
Lào Cai: Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã
Bến Tre: Tăng cường bảo vệ môi trường trong dịp Tết
Hành trình khởi tạo môi trường xanh
Hà Nội: Ô nhiễm không khí chạm mức nguy hiểm
Bao bì kẹo cao su và một số đồ uống đóng chai không phải thực hiện tái chế
Đắk Nông: Nhiều chuyển biến tích cực trong thu gom, xử lý rác sinh hoạt
TP. Vị Thanh (Hậu Giang): Hỗ trợ 474 thùng rác cho các hộ dân
TP.HCM: Ra mắt ứng dụng phân loại và thu gom rác tái chế
Đắk Lắk: Làm việc với KOICA về dự án nước thải đô thị
Phiên họp thứ nhất của Đoàn Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Bộ TN&MT ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm