Trong Quyết định số 1357/QĐ-UBND công bố ngày 20/8, UBND tỉnh Thái Bình đã xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, theo đó giữ nguyên quy mô, diện tích là 12.500ha, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 2.726ha, phân khu phục hồi sinh thái là 9.774ha.
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế
Với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 2159 năm 2014, phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng có diện tích 12.500ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Tuy nhiên, đến năm 2023, để phù hợp với Quyết định 1486 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ngày 28/10/2019 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 731, thu hẹp phần lớn diện tích khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Tiếp nhận những ý kiến khác nhau liên quan tới việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, UBND tỉnh Thái Bình đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và xác định vị trí địa lý, cũng như diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên này, đồng thời lấy ý kiến các chuyên gia.
Theo đó, ngày 20/8/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã công bố Quyết định số 1357/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong đó giữ nguyên diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Với quyết định này, tỉnh Thái Bình cam kết thực hiện đúng quy định các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường; chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường lấy tăng trường kinh tế đơn thuần.
Định hướng bảo tồn trong tương lai
Tại Hội nghị công bố vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải ngày 20/8/2024, ông Lại Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, sau khi xác lập vị trí, ranh giới, diện tích Khu bảo tồn, tỉnh sẽ tập trung, chú trọng dành nguồn lực tiếp tục bảo tồn và phát triển khu bảo tồn.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của huyện Tiền Hải, phía Bắc giáp với vùng cửa Trà Lý và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành – Cồn Thủ; phía Nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành – Cồn Thủ; phía Tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành – Cồn Thủ, khu lấn biển và khu quy hoạch phố biển Đồng Châu; phía Đông giáp với Biển Đông. Ranh giới Khu bảo tồn được xác định bằng 33 điểm tọa độ với tổng diện tích 12.500ha; trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2.726ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.774ha. Vùng đệm của Khu bảo tồn có diện tích 3.446,5ha được xác định bằng 40 điểm tọa độ, có khoảng cách 1.000m tính từ ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chiến – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, địa phương sẽ triển khai 6 nội dung chính để đảm bảo phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường.
Theo đó, tỉnh sẽ chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức các chương trình giáo dục và tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên và khắc phục các hoạt động khai thác không bền vững.
Đồng thời, phát triển chính sách, các quy định, xây dựng các chính sách, quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, cấm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững.
Cùng với đó, áp dụng các biện pháp quản lý tài nguyên nhiên thiên hiện đại, bền vững để bảo vệ và phát triển hệ sinh thái vùng đất ngập nước. Hàng năm cập nhật các hoạt động theo kế hoạch, chương trình để bảo tồn và phát triển.
Đặc biệt, sẽ chú trọng, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng hiện có để duy trì độ bao phủ ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, nâng cao giá trị phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực.
Hàng năm, tiến hành rà soát quỹ đất để tiến hành trồng mới, phấn đấu trồng mới ít nhất 500 ha rừng trở lên; khuyến khích các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, các mô hình nuôi trồng thuỷ sản phù hợp để nâng cao đời sống cộng đồng, vừa góp phần bảo vệ gìn giữ rừng có hiệu quả, phát triển biền vững dịch vụ môi trường rừng nhằm tăng cường nguồn thu thúc đẩy phát triển rừng bền vững.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các khu bảo tồn để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm hỗ trợ cải thiện khoảng cách năng lực; tăng cường học tập, trao đổi nguồn lực, kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế về đa dạng sinh học; tiến hành nghiên cứu khoa học để hiểu rõ hơn về hệ sinh thái và tìm ra giải pháp bảo vệ hiệu quả.
Để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng – chủ thể trong công tác bảo tồn, tỉnh có kế hoạch thu hút cộng đồng địa phương tham gia thực hiện công tác bảo tồn nhằm tăng cường trách nhiệm, sự tham gia của người dân hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Minh Hạnh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/giu-nguyen-dien-tich-khu-bao-ton-thien-nhien-dat-ngap-nuoc-tien-hai-song-hanh-phat-trien-kinh-te-va-moi-truong-379320.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam