Rác thải trên một bãi biển gần khu vực nhà thờ Đổ trong dịp Lễ Quốc khánh vừa qua. (Ảnh: PV) |
“Sức ép” quá tải du khách cục bộ
Trong 4 ngày nghỉ lễ (1 – 4/9), nhiều địa phương trên cả nước đều ghi nhận mức tăng trưởng du khách cao. Đơn cử, Sở Du lịch Hà Nội thống kê tổng khách đến khoảng 640.000 lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Sở Du lịch Lào Cai, tổng lượng khách du lịch đến địa phương này cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 167%) với khoảng 308.164 lượt người, trong đó chỉ riêng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đón gần 100.000 lượt khách. Số liệu thống kê từ các tỉnh, thành khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cà Mau, Bình Thuận,… đều cho thấy lượng khách tăng. Trong đó, khách nội địa chiếm chủ yếu.
Sự tăng trưởng du khách là dấu hiệu tích cực cho tốc độ phục hồi và phát triển của ngành Du lịch nước nhà. Tuy nhiên, hệ quả thường đi kèm với điều này là tình trạng quá tải khách cục bộ tại một số điểm đến, khiến các đơn vị kinh doanh, phục vụ không đáp ứng kịp, dẫn đến chất lượng trải nghiệm sụt giảm, ảnh hưởng đến ấn tượng của du khách đối với các điểm đến.
Tại Thủ đô, các điểm du lịch tham quan chính như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ… đều ghi nhận tình trạng đông khách trong mùa lễ. Thậm chí vào những giờ cao điểm, du khách đến chật kín, phải xếp hàng dài chờ đợi đến lượt mua vé tham quan các điểm di tích. Một số điểm du lịch khác như Khoang Xanh – Suối Tiên, Thiên Sơn – Suối Ngà, Ao Vua, Đầm Long… xảy ra tình trạng quá tải cục bộ. Đường dẫn vào một số khu du lịch trên đôi khi bị tắc nghẽn do lượng xe đổ về rất đông cùng lúc. Không chỉ ở các thành phố lớn, một số tụ điểm du lịch ở nhiều tỉnh, thành khác như Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai)… đều ghi nhận tình trạng tương tự.
Trên các trang mạng xã hội và các website đánh giá về ẩm thực, du lịch, số lượng bài phản ánh tiêu cực về các điểm đến, nhà hàng, cơ sở lưu trú cũng tăng cao. Một số nguyên nhân phổ biến được nhắc tới có thể kể đến như: chờ đợi quá lâu; quá đông người; gây quá ồn ào; tốc độ phục vụ chậm; nhân viên thiếu nhiệt tình, ít tươi cười; chất lượng ăn, ở chưa đúng với quảng cáo, chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách… Đây cũng thường là những lý do khiến nhiều du khách trong nước e ngại đi du lịch vào các dịp lễ, mùa cao điểm. Bởi khi số lượng du khách tăng quá cao so với khả năng tiếp nhận, phục vụ tại điểm đến, trải nghiệm du lịch có thể trở nên rất tệ. Thậm chí, một số du khách còn dùng cách ví von “đi du lịch như đi hành xác”.
“Sức ép” rác thải
Song song với những bất cập liên quan đến tình trạng quá tải khách là tình trạng ô nhiễm rác thải thường xảy ra vào trong và sau dịp lễ. Tại một số điểm du lịch, lượng người đổ về tăng cao, rác thải xả bừa bãi, không được thu gom, khiến cho những địa điểm xanh – sạch – đẹp trở thành bãi rác xấu xí. Đáng nói, hình ảnh này không chỉ xảy ra sau khi dịp lễ kết thúc mà ngay trong những ngày lễ, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách tại chính các điểm đến.
Đơn cử, theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 3/9 tại khu vực nhà thờ Đổ, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) điểm đến này không chỉ xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ, ô nhiễm khói bụi do lượng người đổ về tắm biển, ăn uống tại các nhà hàng ven biển tăng cao mà còn đủ loại rác thải nilon, thực phẩm,… bị vứt bỏ ngổn ngang trên bãi biển. Mặc dù việc đông đảo du khách tập trung tại một điểm đến khiến lượng rác thải tăng cao là điều dễ hiểu, nhưng vấn đề này có thể lường trước được và khắc phục bằng nhiều giải pháp như tăng cường các thùng rác, người thu gom, biển báo nhắc nhở nâng cao ý thức du khách, người dân… để bảo đảm cảnh quan du lịch.
Theo chia sẻ của người dân nơi đây, nhà thờ Đổ vốn là điểm đến thu hút nhiều du khách các nơi đến tham quan, không chỉ ngày lễ mà cả các ngày cuối tuần, dẫn đến nhiều vấn đề như ô nhiễm rác thải, các bãi tắm tự phát tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, do đó rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng nhằm tuyên truyền, nhắc nhở người làm kinh doanh, du khách bảo đảm giữ gìn vệ sinh, cảnh quan và an ninh, an toàn tại điểm đến này.
Đáng nói, những vấn đề như cải thiện chất lượng, năng lực phục vụ du lịch, bảo vệ môi trường tại các điểm đến, đặc biệt trong các mùa lễ vốn là mối quan tâm hàng đầu của ngành Du lịch trong nhiều năm nay. Đây là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của du khách, khiến họ muốn kéo dài lưu trú và trải nghiệm hoặc/và muốn quay trở lại lần tiếp theo. Nhưng từ những bất cập vẫn nhức nhối trên thực tế cho thấy, giải pháp nào để giảm “sức ép” từ các dịp cao điểm du lịch vẫn là câu hỏi lớn cho nhiều địa phương, điểm đến.
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam