Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường; từ đó làm thay đổi thói quen, tập quán của Nhân dân. Do đó, Điện Biên đạt được những kết quả khả quan trong thực hiện tiêu chí NTM về môi trường.
Tỉnh Điện Biên hiện có 69/115 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Điện Biên về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 18/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên thì nội dung về nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn – sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn và khôi phục cảnh quan của nông thôn Việt Nam (nội dung thành phần số 7) đã có những kết quả rõ nét.
Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 76/115 xã đạt tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 30%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 99/115 tổng số xã (chiếm tỷ lệ 85,2%). Cảnh quan, không gian xanh – sạch – đẹp, an toàn, không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung, đạt 98/115 tổng số xã (chiếm tỷ lệ 66,9%).
Có 81/115 xã có đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn; 85/115 xã có mai táng, hỏa táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch môi trường; 62/115 xã đạt tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 83/115 xã đạt tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường; 114/115 xã đạt tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn, đạt 85/115 tổng số xã, tỷ lệ 73,9%; Tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định, đạt 90/115 tổng số xã, tỷ lệ 78,2%…
Những con số trên cho thấy, công tác vệ sinh môi trường sinh thái vùng nông thôn luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện; các địa phương đã tích cực thực hiện, chủ động xây dựng các khu thu gom rác tập trung, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, tích cực tuyên truyền tới người dân và các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở các địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp, an toàn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường… và thực hiện theo các nội dung được phê duyệt, phù hợp với quy định và theo quy hoạch của UBND tỉnh đã đưa ra.
Trao đổi với chúng tôi, bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Điện Biên cho biết: Trong thời gian tới, để giữ vững được những thành quả và thực hiện tốt hơn tiêu chí về môi trường, từ đó nâng cao số xã đạt chuẩn NTM. Các huyện, thành phố trong tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các nội dung của tiêu chí. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức, cá nhân về công tác vệ sinh môi trường.
Với sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ tỉnh đến cơ sở, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Điện Biên tính đến 6/2023 tiếp tục duy trì và giữ vững 21 xã đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân ước đạt 13,07 tiêu chí/xã.
Hoàng Châu – Phương Liên – Báo Tài nguyên và Môi trường
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/diem-sang-trong-thuc-hien-tieu-chi-moi-truong-ve-nong-thon-moi-360280.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam