Huyện Cần Giờ đang từng bước trở thành một thành phố biển xanh, phát triển bền vững, thân thiện môi trường; đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, sớm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cần Giờ có diện tích tự nhiên là 704,4533km2, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của TP.HCM. Diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ trên 33.000 ha, chiếm trên 45% diện tích tự nhiên của huyện, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tính đến tháng 12/2021, toàn huyện có 19.319 hộ dân với 76.485 nhân khẩu, mật độ dân cư thưa và phân bố không đều.
Hướng tới một Cần Giờ xanh
Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xác định: Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường.Trong đó, Cần Giờ cần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các làng nghề, lưu vực sông…
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TP.HCM, là cửa ngõ ra biển TP.HCM, như một gạch nối quan trọng trong hành lang ven biển của cả nước. Trong xu hướng phát triển sắp tới, Cần Giờ ngày càng đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.
Hiện nay TP.HCM đang rà soát, xây dựng quy hoạch tổng thể nên các định hướng phát triển H.Cần Giờ phải được đánh giá, sắp xếp, ưu tiên chắt lọc ý kiến hay bổ sung vào quy hoạch chung của thành phố. Trong đó, vấn đề đặt ra làm sao chọn đúng định hướng, những bước đi, hành động để vừa phát huy động vị trí, vai trò, vừa giữ gìn những giá trị, tự nhiên, văn hóa tạo nền tảng, môi trường và là điều kiện cho sự phát triển xanh và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Nghị quyết 98 của Quốc hội ra đời đã tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện để Cần Giờ phát huy thế mạnh để kêu gọi đầu tư, phát triển đồng bộ và phát triển bền vững trên các lĩnh vực.
Theo đó, về thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, Cần Giờ có thể kêu gọi đầu tư phát triển giao thông xanh, chuyển xe sử dụng xăng sang xe điện, thực hiện kế hoạch trồng rừng gắn với tín chỉ carbon. Huyện sẽ triển khai kế hoạch phát triển điện áp mái cho cả cơ quan, đơn vị và bãi muối trong thời gian sớm nhất.
Về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, huyện Cần Giờ đang kêu gọi đầu tư phát triển phương tiện giao thông xanh bao gồm: bus điện, xe điện và thí điểm mô hình giao thông xanh trong nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng nghiên cứu sâu và nhận định có khả năng kêu gọi các nhà đầu tư điện sinh khối từ xử lý rác để thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang thực hiện xử lý theo công nghệ có thu hồi năng lượng.
Nâng cao thu nhập người dân
Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, huyện Cần Giờ sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; giảm hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố còn dưới 3%.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng thông tin: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Chương trình nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được sự tập trung của cả hệ thống chính trị, huyện được công nhận huyện nông thôn mới; 6/6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 3/6 xã xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt vượt 58,25% và tỷ lệ giảm hộ cận nghèo đạt vượt 13,52%; thu nhập bình quân của hộ nghèo từ 25,31 triệu đồng/người/năm (năm 2020) tăng lên 32,1 triệu đồng/người/năm (năm 2022)…
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, thời gian qua, Cần Giờ triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã theo hướng nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới và xóa nghèo bền vững. Tận dụng lợi thế tự nhiên, Cần Giờ khuyến khích và hỗ trợ nông dân chuyển toàn bộ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp, nuôi chim yến.
Đồng thời, Cần Giờ đã tập trung phát triển nghề nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh dưới tán rừng để khai thác giá trị từ nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng không làm ảnh hưởng hệ sinh thái rừng ngập mặn và pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; nuôi nhuyễn thể, nuôi thủy sản lồng bè trên đất có mặt nước, đất bãi bồi ven sông, ven biển.
Chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện Cần Giờ quan tâm. Đến nay, 100% đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa vượt chuẩn cận nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế với tổng số tiền trên trên 133 triệu đồng.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cũng chia sẻ, trong thời gian tới, gắn với việc triển khai Nghị quyết 98, Cần Giờ sẽ hỗ trợ người dân trồng rừng gắn với tín chỉ carbon; triển khai mô hình du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm OCOP.
Nguyễn Thanh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/can-gio-tp-hcm-huong-toi-do-thi-bien-xanh-phat-trien-ben-vung-362681.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam