Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 300 công trình đạt chứng nhận công trình xanh. Con số này quá khiêm tốn so với tiềm năng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do không ít doanh nghiệp phân vân việc đầu tư phát triển các công trình xanh lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực am hiểu để phát triển.
Giảm chi phí năng lượng
Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thực hiện cam kết giảm phát thải về “0” vào năm 2050 theo cam kết tại COP26, công trình xanh đã trở thành xu hướng tất yếu. PGS. TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết, trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh đã được ban hành khá đầy đủ. Gần đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về tiết kiệm hiệu quả năng lượng tòa nhà… Chính vì vậy, số lượng công trình xanh tại Việt Nam qua mỗi năm đã ghi nhận chiều hướng tăng. Năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh và sau chưa đầy 1 năm, đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh. Một số công trình đang ở giai đoạn đăng ký chứng nhận công trình xanh.
Mặc dù vậy, con số này so với các nước trong khu vực và thế giới còn quá khiêm tốn. Ví dụ như Singapore – đất nước chỉ có diện tích nhỏ bằng Hà Nội, nhưng đã có tới 3.000 công trình xanh. Nhìn nhận về nguyên nhân, ông Trần Thành Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững nhận định, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường.
“Theo logic thông thường từ nhiều năm nay, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên và phần tăng này sẽ được bù đắp trong quá trình vận hành, đây là cách hiểu có phần rập khuôn từ các nước phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi đã so sánh giữa thiết kế thông thường và thiết kế tối ưu hóa về chi phí đầu tư, về chi phí vận hành trong điều kiện chi phí, vật liệu, thiết bị tại một số dự án thực tế ở Việt Nam. Nếu tuân thủ các yêu cầu về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng ở mức cao nhất, tòa nhà văn phòng tại Việt Nam có thể giảm tới 48% tổng năng lượng tiêu thụ, tương ứng với giảm chi phí thường xuyên phải trả” – ông Trần Thành Vũ nhấn mạnh.
Bà Lê Phương Anh – Giám đốc chương trình Sustainable Building Vietnam (SBVN) – Công trình bền vững Việt Nam cho rằng, để xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm chi phí cho phát triển công trình, chủ đầu tư nên thực hiện các tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Lấy ví dụ với chung cư Meraki Ecopark, việc không sử dụng tường bê tông kết hợp tối ưu hệ thống điều hòa không khí có thể giúp công trình tiết kiệm gần 4 tỷ đồng tiền điện/năm, với mức đầu tư khoảng 2,8 tỷ đồng. Điều này tương đương với thời gian hoàn vốn dưới 1 năm.
Từ nay đến năm 2025, SBVN có kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật để thiết kế xây dựng 1 tòa nhà Zero năng lượng đầu tiên tại Việt Nam, giúp chứng minh về các hiệu quả của các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Tạo dựng thị trường bất động sản xanh
Ở góc độ là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu công trình xanh, bà Nguyễn Bích Ngọc – Giám đốc Sen Vàng Group cho rằng, khi đại dịch Covid-19 qua đi, nhu cầu về một chốn an cư trong lành, đảm bảo môi trường sống, cải thiện sức khỏe đang là xu hướng chung. Bên cạnh các yếu tố về vị trí, chi phí, người mua nhà đang quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố xanh trong công trình. Cùng với đó, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư cũng được người mua đưa vào tiêu chí lựa chọn. Chính vì vậy, đây được coi là “giai đoạn vàng” thúc đẩy ngành bất động sản phát triển các công trình xanh và bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Để hóa giải áp lực chi phí trong việc phát triển công trình xanh, ông Trần Thành Vũ cho rằng, chủ đầu tư nên hướng tới thực hiện công trình thân thiện môi trường từ các lợi ích cốt lõi của thiết kế, thay vì thiết kế theo quy trình cũ và cần chỉ bổ sung thêm các đầu mục xanh để lấy điểm cho chứng chỉ.
Lợi ích cốt lõi của thiết kế bao gồm: tối ưu chi phí đầu tư để giảm giá thành, tăng cao tối đa có thể hiệu quả năng lượng trong điều kiện chi phí cho phép song song với kiểm soát cẩn thận chất lượng môi trường trong nhà. Đây là cách làm vừa đem lại hiệu quả giảm chi phí đầu tư, vừa giảm chi phí vận hành công trình, vừa có rất nhiều dữ liệu thiết kế đặc biệt để phối hợp thực hiện công tác PR, marketing.
Khi các hạng mục này hoàn thành như là nền tảng chất lượng cần phải có, thì việc lấy chứng chỉ công trình xanh sẽ trở nên rất dễ dàng và rẻ, vì điểm tiết kiệm năng lượng và môi trường đã rất cao, thậm chí là đạt tối đa. Sau đó chỉ cần bổ sung thêm 1 vài yếu tố xanh đơn giản để lấy đủ điểm cho hạng mức chứng chỉ mong muốn.
Đáng tiếc, cách tiếp cận này đòi hỏi ứng dụng các kỹ thuật tính toán và quy trình thiết kế mới so với những gì đang thực hiện phổ thông tại Việt Nam nên hầu hết nhà đầu tư đang tiếp cận theo phương thức thiết kế thông thường, thậm chí là đơn giản hóa quy trình, không tính toán các lợi ích kinh tế – năng lượng từ sớm. Chỉ đơn giản là ký thêm hợp đồng với tư vấn xanh, giúp bổ sung các yêu cầu lấy điểm xanh, phương thức này sẽ đòi hỏi nhiều chi phí bổ sung cho các hạng mục xanh, trong khi rất khó đảm bảo được các lợi ích cốt lõi.
“Tôi cho rằng, việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, lựa chọn phương án tài chính hợp lý và đặc biệt là biết sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách, tiến tới thực hiện Net Zero Energy”, ông Trần Thành Vũ bày tỏ.
Khánh Ly – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/can-bang-chi-phi-cho-cong-trinh-xanh-365289.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam