Thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương) đang “đau đầu” bởi nhiều khó khăn phát sinh trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt…
Rác vây tứ phía
Trước khi sáp nhập với xã Kim Giang thành thị trấn Cẩm Giang hiện nay, Cẩm Giàng từng là một thị trấn cổ với trên 400 năm tuổi. Thị trấn trước đây chỉ rộng 0,46 km2, đường phố ngoằn nghoèo, không gian đô thị chật hẹp, nằm kẹp giữa 2 xã Kim Giang và Thạch Lỗi. “Chính do địa hình đó mà xung quanh thị trấn Cẩm Giàng cũ có tới 6 bãi rác bao vây. Ngoài bãi rác Độc Lập chứa rác thải sinh hoạt của địa bàn thị trấn cũ, còn có 5 bãi chứa rác của các thôn Kim Quan, Nguyên Khê, La A, La B và của xã Thạch Lỗi”, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư số 1 thị trấn Cẩm Giang Lê Văn Thành cho biết.
Lượng rác sinh hoạt liên tục gia tăng từ 12-15%/năm, trong khi thu nhập của người thu gom thì thấp. Mức thu từ các gia đình theo quy định của thị trấn chỉ 20.000 đồng/hộ/tháng. Một số quán ăn, kinh doanh hàng hóa có phát sinh nhiều rác tại nhà, trong chợ nộp thêm 30.000-50.000 đồng/tháng, nhưng không ổn định. Thu nhập bình quân của người thu gom chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng nên người chuyên thu gom rác ở khu dân cư số 2 đã bỏ việc từ cuối tháng 2/2024.
“Nể mọi người nên tôi tạm nhận thu gom rác cho cả khu 2, chứ độc khu 1 đã rất nhiều rác vì có chợ, ngày thường đã 10-12 xe rác loại 2 khối. Dịp Tết vừa qua rác nhiều gấp đôi, trong khi thu nhập không tăng bao nhiêu”, ông Lê Văn Quyết, người thu gom rác sinh hoạt ở khu dân cư số 1 chia sẻ.
Theo lãnh đạo thị trấn Cẩm Giang, trên địa bàn có 7 bãi chứa rác thải sinh hoạt, gồm 1 bãi của thị trấn Cẩm Giàng cũ và 6 bãi của 6 khu dân cư vốn là các thôn của xã Kim Giang trước đây. Các bãi rác đều đã đầy, quy trình chôn lấp không chặt chẽ nên dễ phát tán rác khi có gió to. Tình trạng đốt rác trộm xảy ra thường xuyên…
“Không khí thị trấn thường xuyên có mùi rác, nhất là mùi khói đốt rác”, ông Vũ Diệp ở phố Độc Lập, khu dân cư số 1, thị trấn Cẩm Giang than thở.
Bãi chứa rác sinh hoạt của khu dân cư Tràng Kênh nằm cạnh đường huyện 19 và đường sắt Hà Hải thường bị đổ bừa bãi cả rác thải công nghiệp lẫn chất thải nguy hại. “Gần đây UBND thị trấn đã phải tổ chức lực lượng xung kích với sự hỗ trợ của Công an thị trấn để ngăn chặn tình trạng đổ cả rác thải công nghiệp lẫn chất thải nguy hại”, ông Nguyễn công Trắc, quyền Chủ tịch thị trấn Cẩm Giang cho biết.
Mặc dù hằng năm huyện đều có hỗ trợ kinh phí nhưng thị trấn đều phải trích 100-150 triệu đồng để xử lý sơ bộ mỗi bãi rác.
Mong được hỗ xử lý rác triệt để
Giai đoạn 2023-2025, Cẩm Giang sẽ sáp nhập với xã Thạch Lỗi để phát triển thị trấn theo mô hình đô thị trung tâm (cùng với thị trấn Lai Cách), làm hạt nhân phát triển không gian, hình thành hệ thống đô thị chung của huyện. Hầu hết người dân hy vọng, việc này sẽ tiếp tục tạo đà cho Cẩm Giang phát triển mạnh mẽ hơn, đô thị văn minh hơn. Tuy nhiên sau khi sáp nhập thêm xã Thạch Lỗi, trên toàn địa bàn sẽ có 11 bãi chôn lấp rác. Hầu hết các bãi này đã chứa đầy rác và thường được chôn lấp không đúng quy trình kỹ thuật.
“Văn minh đô thị trước tiên là phải bảo đảm vệ sinh môi trường. Chúng tôi mong muốn thị trấn được hỗ trợ thu gom rác thải sinh hoạt để chuyển đi xử lý triệt để như ở thị trấn Lai Cách và một số xã trong huyện”, ông Phạm Văn Thắng ở khu dân cư số 2 bày tỏ.
Theo lãnh đạo thị trấn Cẩm Giang, đông đảo người dân thị trấn đều mong muốn đóng cửa các bãi chứa rác để thực hiện thu gom tập trung và vận chuyển đến các nhà máy xử lý triệt để.
Được biết, tỉnh Hải Dương đang thực hiện Đề án “Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn”. Chất thải rắn sinh hoạt của 42 xã, 4 thị trấn đã được chuyển về các nhà máy để xử lý với khối lượng gần 400 tấn/ngày, tương ứng trên 30% lượng chất thải phát sinh trong toàn tỉnh… Mục tiêu của đề án đã xác định đến năm 2025 có 90% và định hướng đến năm 2030 có 100% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Như vậy mong muốn tham gia đề án trên của thị trấn Cẩm Giang là có cơ sở.
THÀNH LONG – Báo Hải Dương
Link nguồn: https://baohaiduong.vn/cam-giang-xu-ly-rac-thai-kho-khan-375475.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam