Hiện nay, ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề nan giải tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Để kiểm soát ô nhiễm, các sở, ngành thành phố đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhưng chất lượng không khí vẫn chậm được cải thiện, nhất là vào mùa khô và ở khu vực nội thành. Vậy, đâu là nguyên nhân và cần giải pháp căn cơ nào để cải thiện chất lượng không khí trong thời gian tới?
Gia tăng ô nhiễm vào mùa khô
Kết quả phân tích từ 34 trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từ đầu năm đến nay cho thấy, chỉ số chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố có sự khác biệt giữa các loại hình và khu vực quan trắc. Cụ thể, ở khu vực nông thôn chất lượng không khí được cải thiện nhất, với tỷ lệ ngày tốt và trung bình là 98,6%; khu vực đô thị và cận đô thị, tỷ lệ ngày tốt và trung bình là 80,9%, còn lại là ngày kém và xấu. Trong khi đó, quan trắc đối với loại hình giao thông cho thấy, tỷ lệ ngày tốt và trung bình là 63%, còn lại là ngày kém, xấu và rất xấu. Những ngày chất lượng không khí từ mức kém đến mức rất xấu có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, chất lượng không khí ở Hà Nội còn có sự khác biệt giữa mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, tại một số khu vực đặt trạm quan trắc như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm), Thành Công (quận Ba Đình), Chi cục Bảo vệ môi trường (quận Cầu Giấy)…, Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động ở ngưỡng từ 101 (mức kém) đến dưới 200 (mức xấu), một số ngày vượt ngưỡng 200 (mức rất xấu), gây hại cho sức khỏe. Mùa mưa, chỉ số AQI được cải thiện theo hướng tốt hơn…
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), có nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Cụ thể, toàn thành phố có 17 khu công nghiệp; khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng được công nhận làng nghề; hơn 770 nghìn xe ô tô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày… Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, trực tiếp khiến cho ô nhiễm không khí ngày càng tăng.
Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê (Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội một phần do hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) trong năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra môi trường không khí 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2 gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, tuy thành phố đã xác định được nguyên nhân và triển khai nhiều giải pháp hạn chế nguồn gây ô nhiễm, nhưng đến nay một số nhiệm vụ triển khai chưa đạt tiến độ, dẫn đến chất lượng không khí chậm được cải thiện.
Giảm thiểu ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong kiểm soát ô nhiễm không khí, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp. Trong đó, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh” theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm để triển khai giải pháp cụ thể, phù hợp về chính sách và công nghệ.
Thành phố cũng giao Sở Giao thông – Vận tải triển khai hiệu quả Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông để hạn chế số lượng xe cơ giới.
Ngoài những giải pháp trên, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội Trịnh Xuân Quang (Ban Đô thị HĐND thành phố) đề xuất, thành phố cần tăng số trạm quan trắc không khí ở khu vực ngoại thành và có đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm không khí ở từng khu vực để triển khai phương án xử lý; không đánh đồng số liệu của cả thành phố, dẫn đến triển khai dàn trải, gây tốn kém nguồn lực mà hiệu quả không cao.
Đồng tình với đề xuất này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê (Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện đã xác định được 50% nguồn gây ô nhiễm không khí là chất hữu cơ. Do vậy, thành phố cần lập đề án xử lý triệt để chất này; đồng thời, tăng nguồn lực về con người, tài chính cho các xã, phường, thị trấn để công tác quản lý môi trường đồng bộ tới tận cơ sở.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Hà Nội. Để đạt được mục tiêu, bên cạnh quyết tâm của Hà Nội, cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố lân cận trong triển khai giải pháp ngăn chặn, xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí. Đồng thời, cần sự chung tay hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế và các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, không ô nhiễm…
Hoàng Sơn – Hà Nội Mới
Link nguồn: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/1060582/cai-thien-chat-luong-khong-khi-o-ha-noi-can-giai-phap-can-co
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam