Quá trình đô thị hóa cùng sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số khiến lượng rác thải không ngừng tăng cao mỗi ngày. Vì thế, lượng rác thải chưa quản lý, tái sử dụng đã làm tăng chi phí xử lý và lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Hướng dẫn người dân thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) cách thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà.
Theo các chuyên gia, chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp một tấn rác là 879.028 đồng, trong khi mức phí do người dân chi trả chỉ khoảng 218.630 đồng. Sau khi thu gom, rác thải chủ yếu được xử lý bằng cách chôn, lấp, đốt… và lượng tái chế vẫn còn rất nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 10%.
Đông Anh là huyện ven đô đang chuyển mình, những dự án lớn bắt đầu được xây dựng ngày càng hiện đại và thông minh hơn. Nhận thức về tác động của rác thải đến không khí, môi trường và sức khỏe của người dân, năm 2021, huyện đã triển khai chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn. Theo đó, rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại thành ba loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại.
Sau phân loại, rác hữu cơ được tái sử dụng cho các mục đích như: làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón cho cây trồng… còn rác tái chế được thu gom riêng và bán cho hệ thống cơ sở tái chế. Tính tới quý I/2022, đã có 23 xã, thị trấn tổ chức xử lý rác hữu cơ tại nhà, trong đó ba xã đã nhân rộng chương trình trên tất cả các thôn. Sau hơn một năm triển khai, cả huyện đã có 7.621 hộ gia đình tham gia, tăng 46,81% so với giai đoạn ban đầu (5.191 hộ); tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày…
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Ngày 27/1/2021, UBND huyện Đông Anh ban hành Phương án số 01/PA-UBND về việc phân loại rác tại nguồn để thu gom, lưu giữ, xử lý, tái chế, tái sử dụng trên địa bàn, triển khai thí điểm ở ba xã Việt Hùng, Liên Hà và Dục Tú. Trong toàn bộ quá trình thực hiện, các đơn vị phối hợp Trung tâm Live & Learn nhằm cung cấp giải pháp giảm rác một cách bài bản; tổ chức truyền thông và hướng dẫn về phân loại, xử lý rác thải, ủ rác hữu cơ trên phương tiện truyền thông đại chúng và các nhóm trực tuyến.
Theo kết quả thực tế kiểm kê từ hộ gia đình, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 đến 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Khi tiến hành kiểm kê rác chín xã (với 309 hộ gia đình), thì lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ là 59%, rác tái chế thu gom 12% và rác còn lại để đổ rác là 29%.
Những con số về lượng rác giảm sau phân loại và xử lý tại ba xã là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của các hộ gia đình tại Đông Anh. Là những người đi đầu trong phân loại và xử lý rác tại nhà, các thành viên nhóm nòng cốt tại các xã đã tích cực triển khai phân loại và xử lý rác. Sau đó, nhóm trở thành nòng cốt tại các thôn để gây dựng phong trào và sẵn sàng chia sẻ cách làm, kinh nghiệm cho các hộ gia đình khác trong thôn và xã. Các hộ gia đình lân cận trong các thôn học tập kinh nghiệm và bắt đầu tự phân loại và mang rác hữu cơ ủ thành phân bón.
Đến nay, số gia đình tự phân loại và xử lý rác tại nhà trên địa bàn tiếp tục tăng, mọi người đều coi việc làm này như một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật.
Tại thôn Thái Bình, xã Mai Lâm từ tháng 7/2021, người dân thực hiện xử lý rác theo hộ gia đình. Ban đầu, do số lượng rác hữu cơ của từng hộ quá ít, các hộ đã có sáng kiến triển khai xử lý rác theo cụm (từ 8 đến 15 hộ/cụm). Mỗi cụm thường tận dụng những khu đất rộng để đặt thùng ủ hoặc đào hố ủ chung; hằng ngày, sau khi phân loại, người dân mang rác đến các thùng, hố ủ chung này hoặc đặt trước nhà và trưởng nhóm sẽ đến thu gom mang về thùng/hố ủ tập trung. Tính đến nay, trên địa bàn thôn đã có 22 điểm tập kết và ủ rác tập trung như thế. Một số hộ gia đình không có nhu cầu dùng phân bón cũng tự phân loại và gửi rác hữu cơ đến các hộ gia đình đang tham gia chương trình.
Chia sẻ về việc xử lý rác hữu cơ tại nhà, cô Nguyễn Thu Hằng đánh giá: Đây là một cách xử lý rác rất hay. Thay vì hằng ngày phải đổ rác như trước đây, hiện tại, sau khi tái sử dụng rác nhà bếp để ủ phân, ba ngày tôi mới phải đổ rác một lần. Rác ít hơn hẳn mà không có mùi. Công nhân vệ sinh môi trường cũng đỡ vất vả hơn.
Tham gia việc phân loại rác từ nguồn, chị Phạm Thị Yến (xã Liên Hà) mới thấy lượng rác gia đình mình thải bỏ rất nhiều. Trong vòng 30 ngày kiểm kê, lượng rác hữu cơ của gia đình nhà chị Yến là khoảng 31 kg, chiếm 73% tổng lượng rác. Như vậy, nếu mang rác hữu cơ ủ thành phân bón, lượng rác của gia đình chị phải mang đến cơ sở chôn lấp đã giảm rất nhiều.
Thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục nhân rộng chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác toàn huyện, mở rộng việc áp dụng các giải pháp xử lý rác hữu cơ và bước đầu thí điểm thu gom các loại rác tái chế giá trị thấp. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2022, số hộ gia đình tham gia chương trình chiếm 50% tổng số hộ gia đình trên địa bàn.
Nguồn: Tạp chí Điện tử Bảo vệ Rừng & Môi trường (https://baovemoitruong.org.vn/cach-lam-hay-ve-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat/)
08/05/2022
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội: Chuẩn bị nguồn lực để áp dụng phân loại rác tại nguồn
Lào Cai: Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã
Bến Tre: Tăng cường bảo vệ môi trường trong dịp Tết
Hành trình khởi tạo môi trường xanh
Hà Nội: Ô nhiễm không khí chạm mức nguy hiểm
Bao bì kẹo cao su và một số đồ uống đóng chai không phải thực hiện tái chế
Đắk Nông: Nhiều chuyển biến tích cực trong thu gom, xử lý rác sinh hoạt
TP. Vị Thanh (Hậu Giang): Hỗ trợ 474 thùng rác cho các hộ dân
TP.HCM: Ra mắt ứng dụng phân loại và thu gom rác tái chế
Đắk Lắk: Làm việc với KOICA về dự án nước thải đô thị
Phiên họp thứ nhất của Đoàn Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Bộ TN&MT ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm