Những năm gần đây, với sự phát triển kinh tế, đặc biệt sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đặt ra rất nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, với phương châm “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, vấn đề quản lý, xử lý vi phạm về môi trường luôn được tỉnh quyết liệt thực hiện.
Chú trọng kiểm soát ô nhiễm
Theo Sở TN&MT Bình Phước, năm 2022 và 2023, chất lượng môi trường không khí tại các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh khá tốt; giá trị đo được của các thông số quan trắc đều thấp hơn so với mức giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí. Hầu hết độ ồn đo được tại các điểm quan trắc trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đều thấp hơn mức giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (khu vực thông thường 70 dBA). Tuy nhiên, tại các khu vực tập trung đông dân cư, xe cộ qua lại nhiều có độ ồn đo được cao, xấp xỉ bằng và một số điểm vượt mức giới hạn cho phép, nhưng chỉ xảy ra cục bộ, diễn ra vào giờ cao điểm, không thường xuyên.
Hiện tại, tỉnh Bình Phước đã lắp đặt và vận hành 3 trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú để giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí. Theo đánh giá của Sở TN&MT, xu hướng biến động giá trị của bụi PM10 và PM2.5 có sự phân hóa theo mùa trong năm. Vào mùa khô, ít mưa, giá trị nồng độ bụi đo được tại 3 trạm quan trắc khá cao nhưng đều trong giới hạn cho phép, vào mùa mưa giá trị bụi đo được giảm dần so với mùa khô.
So sánh với kết quả quan trắc của những năm gần đây cho thấy, chất lượng nước, môi trường nước tại lưu vực các dòng sông, nước dưới đất của tỉnh đang dần tốt lên, nằm trong mức giới hạn cho phép. Kết quả phân tích các thông số quan trắc kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gốc phốt pho, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gốc clo tại 88 điểm thuộc mạng lưới quan trắc môi trường đất của Bình Phước năm 2022 và 2023 đều có hàm lượng thấp và trong mức giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất.
Trong những năm qua, sự gia tăng về số lượng các cơ sở sản xuất, khu/cụm công nghiệp đã làm tăng lượng chất thải phát sinh, gây áp lực không nhỏ đến môi trường của tỉnh. Tuy nhiên, chính sự quyết liệt trong xử lý vi phạm nên đa phần các đơn vị doanh nghiệp đều chấp hành và thực hiện đúng quy định. Toàn tỉnh hiện có 20/20 đơn vị y tế từ tuyến tỉnh đến huyện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trong đó 17 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện đạt hơn 90% tại các khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ và du lịch; 65% tại khu vực nông thôn. Chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại được địa phương hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý theo quy định.
Kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm
Để bảo vệ môi trường bền vững, Sở TN&MT Bình Phước phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án. Yêu cầu các chủ dự án đang xây dựng phải hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép mới đưa vào hoạt động. Đối với những dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện các công trình xử lý chất thải, chưa được kiểm tra cấp giấy phép môi trường, phải tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định và phải xây dựng, cải tạo hoàn thiện các công trình xử lý để được kiểm tra, cấp phép.
Đồng thời, Sở TN&MT Bình Phước phối hợp tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất ngay khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị đình chỉ hoạt động đối với những doanh nghiệp có hành vi vi phạm nhưng không khắc phục và tiếp tục gây ô nhiễm. Tiếp tục hướng dẫn, yêu cầu các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và truyền dẫn số liệu về Sở TN&MT theo quy định để kiểm soát việc xả thải; hoàn thiện hệ thống giám sát trung tâm để tiếp nhận dữ liệu từ hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Sở TN&MT Bình Phước phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân; đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật và Luật Bảo vệ môi trường 2020; khuyến khích người dân cùng tham gia giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
Phạm Hoài – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-phuoc-bao-ve-moi-truong-truoc-thach-thuc-phat-trien-377075.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam