Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hà Nam, những năm qua, Bình Lục đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm nhựa, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất – tinh thần của nhân dân, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo
Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 giảm 50% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2020, huyện Bình Lục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của các phòng ban chuyên môn, các địa phương trong công tác giảm nghèo. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Huyện ủy, các đề án phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Ông Trương Công Khải, Bí thư huyện ủy Bình Lục cho biết: Xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, góp phần trực tiếp nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân, Huyện ủy Bình Lục đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Qua triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đến nay, Bình Lục đã kêu gọi, thu hút 3 doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đồng Du, thị trấn Bình Mỹ với quy mô lớn; tổ chức xây dựng các cánh đồng mẫu lớn áp dụng theo hình thức sản xuất cùng giống, cùng trà.
Cùng với đó, toàn huyện hiện có hơn 60 mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản với tổng diện tích trên 500 ha tại các xã, thị trấn. Có thể kể đến nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá, tạo thu nhập cho người dân như: Mô hình nuôi ốc nhồi tại xã An Lão; mô hình trồng ngô sinh khối tại xã Bình Nghĩa; mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản chất lượng cao tập trung tại xã An Đổ, Vũ Bản, Đồn Xá; mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Nano Canxi-Silic trên cây lúa vụ mùa tại xã Tiêu Động, Vũ Bản…
Song song với phát triển nông nghiệp, Huyện ủy Bình Lục cũng quan tâm triển khai phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Theo lời Bí thư huyện ủy Bình Lục, đã từng có thời gian, địa phương này gần như là “điểm trắng” về công nghiệp, dịch vụ, thu nhập của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp.
Bởi thế, những năm gần đây, xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động tối đa các nguồn lực, xây dựng, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, Bình Lục đã và đang vươn mình bứt phá, phấn đấu từng bước trở thành huyện phát triển năng động với nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, dịch vụ phát triển đa dạng.
Nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường
Phát triển kinh tế song hành cùng bảo vệ môi trường cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy chính quyền các cấp Bình Lục đặt ra, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng dân cư.
Huyện uỷ Bình Lục thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp mặt, trao đổi với Bí thư, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố của 111 xã, thị trấn trên địa bàn huyện về các giải pháp nâng cao công tác vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, bà Nguyễn Thị Điệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Lục cho biết: Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với 8 tiêu chí, gồm: “5 không” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học) gắn với “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, ý thức trách nhiệm vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương hoàn thành tiêu chí về thu nhập và môi trường.
Đồng thời, Hội LHPN huyện cũng đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình điểm về phân loại rác thải, bảo vệ môi trường ở các địa phương. Nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, như: Mô hình: “Ủ rác thành phân hữu cơ bằng thùng compost, thùng bokasi”, “Nhà sạch, vườn đẹp, đường không rác”, “Nhà sạch, bếp sạch, ngõ đẹp”, “Khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn”, “Tổ hợp tác phụ nữ sản xuất nông sản sạch”, “Ngày chủ nhật xanh”…
Ngọc Lũ, 1 trong 4 xã được lựa chọn để thí điểm triển khai mô hình “Ủ rác thành phân hữu cơ bằng thùng compost”. Qua 3 năm triển khai, Hội LHPN xã Ngọc Lũ đã tuyên truyền, vận động 300 hội viên tham gia ủ rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng; tái chế trên 20 tấn rác hữu cơ, tạo ra 5 tấn sản phẩm sau ủ. Từ mô hình điểm này đã lan tỏa đến 17/17 cơ sở hội trên toàn huyện với gần 2.500 hộ tham gia, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm, vừa giúp người dân tiết kiệm chi phí mua phân bón phục vụ trồng trọt.
Theo lãnh đạo UBND huyện, công tác bảo vệ môi trường luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về môi trường, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đã triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch, huy động sự tham gia của toàn xã hội chung tay vào công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, vấn đề ô nhiễm rác thải trên địa bàn huyện cơ bản được xử lý; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải toàn huyện đạt trên 97,5%. Các điểm ô nhiễm về môi trường tiếp tục được giám sát, tập trung xử lý, không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới. Ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và cộng đồng dân cư từng bước được nâng lên. Hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng Bình Lục phát triển theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, huyện cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2030.
Việt Linh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-luc-ha-nam-giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-huong-toi-phat-trien-ben-vung-376104.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam