Từ tháng 4/2024, các xã Vĩnh Hồng, Hùng Thắng (Bình Giang, Hải Dương) bắt đầu thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Đây là 2 xã được huyện Bình Giang lựa chọn thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các xã khác trên địa bàn huyện. Đến nay, sau gần 5 tháng triển khai, thực hiện, đã đem lại hiệu quả nhất định.
Lựa chọn thí điểm tại 2 xã
Theo UBND huyện Bình Giang, để thực hiện thí điểm phân loại, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, thời gian qua, các xã Hùng Thắng và Vĩnh Hồng đã lựa chọn vị trí, xây dựng các ô ủ rác và điểm tập kết rác thải rắn sinh hoạt vô cơ không tái chế để vận chuyển đi xử lý tại nhà máy. Xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của các hộ tại các thôn trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền; thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của các gia đình. Tổ chức cho các hộ ký cam kết thực hiện…
Hiện nay, mỗi ngày xã Hùng Thắng phát sinh khoảng 3,5 tấn rác thải sinh hoạt. Xã có 4 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, trong đó có 2 bãi rác ở thôn Hòa Ché và thôn Nhân Kiệt được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng từ năm 2012. Bãi rác thôn Tuấn thuộc quy hoạch khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, các bãi rác còn lại có tỷ lệ lấp đầy khoảng 75-80%.
Lượng rác thải sinh hoạt của xã Vĩnh Hồng khoảng 6,4 tấn/ngày. Xã có 9 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, trong đó có 1 bãi rác ở thôn Me Vàng được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng từ năm 2012. Bãi rác thôn Đỗ Xá thuộc quy hoạch khu công nghiệp Phúc Điền, các bãi rác còn lại tỷ lệ lấp đầy đạt từ 75-80%.
Triển khai chương trình, ngày 22/3/2024, Ban chỉ đạo của huyện đã tổ chức hội nghị triển khai tại 2 xã Vĩnh Hồng, Hùng Thắng với thành phần gồm: Lãnh đạo và các thành viên Ban chỉ đạo Huyện, thành viên Ban chỉ đạo xã, các ban ngành đoàn thể của xã, Bí thư, trưởng thôn các khu dân cư; Phối hợp với UBND xã triển khai tại các thôn, khu dân cư trên địa bàn 2 xã để phổ biến tới toàn thể người dân trên địa bàn 02 xã. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo huyện đã thực hiện cấp phát hơn 5.000 cuốn sổ tay hướng dẫn; hơn 5.000 tờ rơi tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn cho các thành viên Ban chỉ đạo Huyện, xã, và 100% số hộ dân của 2 xã; cấp phát và hướng dẫn đặt 28 bảng trực quan hướng dẫn phân loại rác thải; 140 pano áp phích, 56 băng zôn tuyên truyền tại trụ sở cơ quan, nơi công cộng, trụ sở các xã, thôn thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn.
Đặc biệt, các thành viên của Tổ công tác giám sát, hướng dẫn của huyện thường xuyên đi thực tế để kiểm tra, tham gia hướng dẫn người cán bộ, nhân dân 2 xã Vĩnh Hồng, Hùng Thắng trong thời gian đầu triển khai; nhằm trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện và đôn đốc địa phương tăng cường công tác giám sát.
Hiệu quả nhờ sự đồng thuận cao
Ông Nhữ Văn Chuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho biết: Qua thời gian đầu thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Bình Giang, tình hình thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại 2 xã Vĩnh Hồng, Hùng Thắng đã dần đi vào nề nếp, ổn định và đạt hiệu quả tốt. Việc thực hiện phân loại rác thải đa phần được người dân tại 2 xã ủng hộ, nhất trí cao, thực hiện theo các hướng dẫn của Ban chỉ đạo Huyện và Ban chỉ đạo xã.
Theo ông Nhữ Văn Chuyên, nguồn kinh phí xây dựng 4 bãi rác mới tại xã Vĩnh Hồng và Hùng Thắng là nguồn xã hội hóa, do đó thuận lợi cho quá trình triển khai xây dựng và đi vào hoạt động của các bãi rác thải. Việc lựa chọn các địa điểm xây dựng bãi rác của 2 xã thuận lợi về đường giao thông, mặt bằng, giảm thiểu được các chi phí làm đường đi vào, chi phí giải phóng mặt bằng,… Các bãi tập kết rác thải và ô ủ rác vận hành ổn định, rác thải được các đội thu gom vận chuyển đổ đúng chỗ.
Thống kê của huyện Bình Giang, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trong ngày của xã Vĩnh Hồng dự kiến khoảng 6.351 kg/ngày, tương đương kinh phí vận chuyển, xử lý là 4.032.000 đồng/ngày; sau khi phân loại lượng rác thải vô cơ cần xử lý là 1.554 kg/ngày, tương đương kinh phí vận chuyển, xử lý là 987.000 đồng/ngày, giảm 3.045.000 đồng/ngày so với không phân loại (giảm khoảng 75%).
Tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trong ngày của xã Hùng Thắng dự kiến khoảng 3.563 kg/ngày, tương đương kinh phí vận chuyển, xử lý là 2.262.000 đồng/ngày; sau khi phân loại lượng rác thải vô cơ cần xử lý là 998 kg/ngày, tương đương kinh phí vận chuyển, xử lý là 633.000 đồng/ngày, giảm 1.629.000 đồng/ngày so với không phân loại (giảm khoảng 72%).
Có thể nói, sau khi phân loại rác thải tại nguồn của xã Hùng Thắng và Hồng đang cho thấy kinh phí xử lý rác thải sinh hoạt giảm 3/4 so với việc không phân loại, đem lại hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách trong việc hỗ trợ xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.
Để đạt được kết quả trên, theo Phòng TN&MT huyện Bình Giang, công tác tuyên truyền tại các xã được thực hiện tích cực hàng ngày, hàng tuần trên các phương tiện đài truyền thanh của xã, thôn, các tài liệu sổ tay, tờ rơi, pano áp phích…. Các xã đã thành lập được các Tổ, các tiểu ban tuyên truyền, đến từng ngõ, gõ từng nhà giám sát việc phân loại rác thải tại các hộ gia đình. Việc thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tại các thôn có sự đổi mới, sáng tạo đạt hiệu quả. Đi đầu là thôn Hòa Ché, xã Hùng Thắng thành lập tổ tuyên truyền tại thôn, mỗi thành viên trong tổ tuyên truyền được phân công từng nhóm các hộ dân. Trước mỗi buổi thu gom, các thành viên tổ tuyên truyền có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra việc phân loại rác thải của từng hộ dân. Đối với các hộ phân loại chưa tốt sẽ được hướng dẫn lại, những hộ không phân loại sẽ không thu gom. Hình thức tuyên truyền của thôn Hòa Ché mang lại hiệu quả cao đã được các thôn còn lại của xã Hùng Thắng và xã Vĩnh Hồng vận dụng thực hiện.
Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Bình Giang cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 14/16 xã, thị trấn chưa thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt trong đó 7 xã (Vĩnh Hưng, Bình Minh, Tân Hồng, Cổ Bì, Hồng Khê, Thái Học, Thái Dương) đang được tỉnh Hải Dương hỗ trợ kinh phí vận chuyển, xử lý rác thải tại nhà máy của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc; thị trấn Kẻ Sặt được UBND huyện hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải; 6 xã còn lại (Tân Việt, Long Xuyên, Thúc Kháng, Thái Hòa, Nhân Quyền, Bình Xuyên) chưa được hỗ trợ kinh phí xử lý theo Đề án. Theo kế hoạch, từ nay đến 31/12/2024, huyện sẽ tiếp tục triển khai tại 14 xã, thị trấn.
Xuân Phương – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-giang-hai-duong-hieu-qua-mo-hinh-thu-gom-xu-ly-rac-tai-nguon-379004.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam