Thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều cách làm hay để giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng, nhờ đó đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ nghèo giảm nhanh.
Trồng rừng để phát triển kinh tế
Một thời gian dài, nhiều diện tích đất lâm nghiệp ở Bắc Kạn chưa được chú trọng khai thác, cây mọc tự nhiên, người dân chỉ thu được gỗ tạp, lâm sản phụ, vì thế giá trị kinh tế không cao. Trước tình hình đó, Bắc Kạn đã có cơ chế khuyến khích, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân trồng rừng sản xuất.
Tỉnh hỗ trợ thiết kế, giống cây, công chăm sóc đối với trồng mới rừng sản xuất tập trung 5 triệu đồng/ha, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn 10 triệu đồng/ha, xây dựng đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn tham gia trồng rừng. Nhờ vậy, người dân từ chỗ “phải” trồng rừng để được nhận hỗ trợ đã chuyển sang “muốn” được trồng rừng.
Trong đó, Chợ Đồn là một trong những địa phương có phong trào trồng rừng mạnh mẽ và sớm của Bắc Kạn. Khu phía Nam huyện gồm các xã: Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Yên Phong, Yên Mỹ…, là vùng trọng điểm về phát triển kinh tế rừng của huyện.
Nhiều khu vực trước đây từng bị bỏ không, nay đã được phủ xanh bằng các loài cây lâm nghiệp có giá trị. Hiệu quả từ trồng rừng là rất rõ khi phần lớn các nhà xây của nhân dân nơi đây đều đến từ trồng, khai thác rừng sản xuất. Riêng tại xã Nghĩa Tá, toàn xã hiện có tới 90% hộ dân tham gia trồng rừng.
Trong giai đoạn 2016-2022 giá trị ngành chế biến gỗ bình quân chiếm gần 15% giá trị ngành công nghiệp và chiếm hơn 0,9% GRDP của tỉnh, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, nhất là năm 2020 tăng gần 40%.
Một số dự án lớn về chế biến gỗ đã được đầu tư xây dựng, vận hành; các sản phẩm như ván dán, đũa gỗ,… là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh.
Bắc Kạn cũng đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng rừng trồng. Tỉnh xây dựng 10 mô hình sản xuất cây gỗ lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ban hành chính sách: đối với trồng rừng gỗ lớn từ 0,5ha trở lên, tỉnh hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng 6%/năm, mức vay cao nhất 30 triệu đồng/ha, thời hạn hỗ trợ nhiều nhất 3 năm.
Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ chi phí nhân công, bảo vệ, chăm sóc 500 nghìn đồng/ha/năm. Người dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉa giảm mật độ cây keo từ 2.500 cây/ha xuống 400 cây/ha, cây thông giảm từ 2.000 cây/ha xuống 600 cây/ha, trồng xen cây gỗ lớn dổi, trám trắng, lát. Sau chuyển đổi, mỗi héc-ta keo tăng giá trị kinh tế 3 lần; cây thông tăng giá trị 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ.
Đáng chú ý, tại đơn vị tiêu biểu trong công tác giảm nghèo của Đoàn Thanh niên huyện Bạch Thông, công tác giảm nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thanh niên xã Nguyên Phúc đặt lên hàng đầu.
Nhận thấy nếu chỉ dựa vào ngô, lúa thì rất khó thoát nghèo, Đoàn xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế mới, cách làm hay phù hợp với thực tế. Trong đó, sau khi rà soát đã thoát nghèo, gia đình chị Triệu Thị Mán được vay 50 triệu để trồng rừng, Đoàn Thanh niên xã đã đến trao tặng 1 vườn cây sinh kế với 1.600 cây mỡ và hỗ trợ trồng cây cho gia đình.
Phát huy tinh thần tự lực vươn lên của người dân
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bên cạnh việc triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, trong đó có trồng rừng, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên.
Điều này được thể hiện qua việc thực hiện các chiến dịch tuyên truyền cụ thể như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng kế hoạch, kịch bản, chuyên mục phóng sự tuyên truyền chùm Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) phát sóng trên kênh truyền hình địa phương; thực hiện in sổ tay các Nghị quyết cấp cho Bí thư chi bộ thôn, tổ phố để thông tin đến người dân, trong đó có Nghị quyết số 05-NQ/TU.
Các cơ quan truyền thông của tỉnh cũng thường xuyên dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền Nghị quyết và các hoạt động về giảm nghèo, các chế độ chính sách, giới thiệu kinh nghiệm, cách làm hay, kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng.
Riêng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng 5 chương trình phát thanh, 22 phóng sự tuyên truyền, hỗ trợ phát sóng cho 70 Đài Truyền thanh cơ sở và 8 Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thành phố với tổng số trên 1.000 lượt phát sóng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn có “Chuyên trang giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Kạn” đăng tải các văn bản liên quan đến công tác giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh và gần 100 tin, bài tuyên truyền về thực hiện công tác giảm nghèo tại các địa phương… Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức được 38 buổi nói chuyện chuyên đề về công tác giảm nghèo, thu hút trên 2.400 lượt người tham gia.
Nhờ tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người nghèo, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Kạn, năm 2023, tỉnh giảm được 2.214 hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh còn 21,95%, với 18.067 hộ nghèo, giảm 2,76% so với năm 2022.
Để đạt được những kết quả trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã quan tâm, đưa công tác giảm nghèo bền vững trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên được cụ thể hóa thành Nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND các cấp và từng đơn vị. Đặc biệt, tích cực tuyên truyền để khơi dậy tính tự lực của người nghèo, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh…
Để tiếp tục giảm nghèo bền vững trong năm 2024, Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thành các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện nghèo theo kế hoạch đầu tư.
Tỉnh yêu cầu triển khai tối thiểu 10 dự án giảm nghèo liên kết theo chuỗi giá trị. Phấn đấu 80% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Đồng thời, tỉnh phấn đấu hỗ trợ mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, có việc làm bền vững.
Mai Anh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bac-kan-phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-ve-rung-373537.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam