Ngày 31-1, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố số liệu tổng kết cho thấy, năm 2023, ADB đã cam kết số vốn tài trợ khí hậu kỷ lục nhằm giúp các quốc gia thành viên đang phát triển cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và thích ứng với tác động của một hành tinh đang ấm lên.
Cụ thể, năm 2023, ADB đã cam kết 9,8 tỷ USD tài trợ về khí hậu từ nguồn vốn của mình, gồm 5,5 tỷ USD cho giảm nhẹ và 4,3 tỷ USD cho thích ứng, tăng hơn 46% so với các cam kết tài trợ về khí hậu năm 2022.
Các dự án khí hậu trọng điểm của ADB trong năm 2023 bao gồm khoản vay chính sách trị giá 400 triệu USD để giúp Bangladesh thực hiện kế hoạch thích ứng quốc gia và theo đuổi kế hoạch phát triển tập trung vào khí hậu; khoản vay 1 tỷ USD để giúp triển khai hệ thống xe buýt điện quy mô lớn đầu tiên của Philippines tại thành phố Davao và khoản viện trợ trị giá 18 triệu USD từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) để cải thiện khả năng thích ứng, tính bao trùm và bền vững của các dịch vụ cấp nước và vệ sinh ở Liên bang Micronesia…
Với các cam kết tài trợ thích ứng khí hậu của ngân hàng trong năm 2023, ADB đã cung cấp lũy kế hơn 10,4 tỷ USD tài trợ thích ứng khí hậu trong giai đoạn 2019-2023, vượt mục tiêu 9 tỷ USD cho giai đoạn 2019-2024 sớm một năm. Trong năm 2022, ADB đã cam kết 6,7 tỷ USD tài trợ khí hậu từ nguồn vốn của mình, trong đó gồm 4 tỷ USD cho giảm nhẹ và 2,7 tỷ USD cho thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo ngân hàng này, tài trợ thích ứng biến đổi khí hậu là rất quan trọng ở châu Á và Thái Bình Dương, nơi đang phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng, hạn hán và mưa lớn hơn, trong khi đầu tư cho thích ứng biến đổi khí hậu vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu.
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa nhận định, biến đổi khí hậu đe dọa tương lai của mọi công cuộc phát triển và năm 2023 là năm nắng nóng kỷ lục, với hàng loạt tác động khí hậu cực đoan gây chết người trong khu vực.
“Cuộc khủng hoảng này đe dọa an ninh năng lượng và lương thực, đồng thời tạo ra những thách thức tài chính. Với vai trò là ngân hàng khí hậu cho châu Á và Thái Bình Dương, ADB cam kết giúp các quốc gia thành viên đang phát triển loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi nền kinh tế, tiến triển theo lộ trình chuyển dịch năng lượng và đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Chúng ta phải hành động cùng nhau, khẩn trương và trên quy mô lớn” – ông Asakawa nêu rõ.
Cũng theo ADB, châu Á và Thái Bình Dương tạo ra hơn một nửa lượng khí thải CO2 trên toàn cầu, đồng thời cũng rất dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực này cần đầu tư ước tính khoảng 3,1 nghìn tỷ USD mỗi năm chỉ cho các công trình năng lượng và giao thông để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tức cao hơn khoảng 50% so với mức hiện tại.
ADB đang theo đuổi mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD tài trợ khí hậu từ nguồn vốn riêng của ngân hàng trong giai đoạn 2019-2030.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh – Hà Nội mới
Link nguồn: https://hanoimoi.vn/adb-da-cam-ket-muc-tai-tro-khi-hau-ky-luc-10-ty-usd-trong-nam-vua-qua-657439.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam