Bèo hoa dâu – loài thực vật vô cùng quen thuộc tại các đồng ruộng của Việt Nam – vốn vẫn được biết đến như là nguồn phân xanh tự nhiên. Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh cây bèo hoa dâu còn có khả năng giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra tín chỉ các-bon trên mỗi diện tích sản xuất.
Rẻ và giá trị sử dụng cao
các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bèo hoa dâu (Azolla) có nhiều ứng dụng làm thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học, phân bón sinh học, làm sạch nước… Đặc biệt, đây là loài thực vật duy nhất có vi khuẩn lam có thể lưu giữ nitơ vĩnh viễn được gọi là Anabaena azollae (hay còn gọi là “anabaena”), và vì vậy, có thể cung cấp không giới hạn các chất dinh dưỡng dựa trên nitơ cho cây. Bên cạnh đó, loại bèo này rẻ và sinh trưởng nhanh chóng, phù hợp với nhiều vùng khí hậu trên khắp Việt Nam. Vậy nên có thể hiểu vì sao câu nói “rẻ bèo” hay “rẻ như bèo” vẫn còn phổ biến đến ngày nay.
Theo ông Khoa Nguyễn, người sáng lập Liên minh Neorice, trong điều kiện chuyên canh tốt, mỗi hecta kín bèo hoa dâu có thể tạo ra 100 kg bèo khô mỗi ngày, cung cấp nguồn đạm rẻ cho cây trồng và vật nuôi. Trong canh tác lúa, trồng thêm bèo hoa dâu có thể thay thế hoàn toàn lượng phân đạm cần thiết trong vụ sản xuất, tương đương tiết kiệm 1-2 triệu/ha/vụ. Nếu kết hợp nuôi thủy sản, bèo có thể cung cấp một lượng tương đương 1 – 3 tấn thức ăn công nghiệp 20% protein.
Cùng với thay thế phân đạm hóa học, việc gây bèo tại ruộng giúp giảm phát thải từ sản xuất, vận chuyển phân bón; giảm từ 20 – 50% khí CH4 phát sinh từ ruộng lúa. Nhờ sinh khối lớn, mỗi 6 – 15 tấn bèo có thể giúp cố định 10 – 30 tấn CO2 mỗi năm.
Nếu thu hoạch bèo, 1 kg bèo khô tương đương 1 kg thức ăn và rẻ hơn từ 30-50%, lợi nhuận 4.000.000 -7.000.000đ/tấn (giả định loại thức ăn 20% protein giá 15.000đ/kg).
Nếu giữ lại trên đất và nuôi thủy sản, bèo giúp cung cấp 40 Kg phân N, thay thế toàn bộ thức ăn thủy sản trên lúa, tương đương 1.000.000 – 15.000.000đ/tấn; tạo ra 1 tín chỉ các-bon/năm. Ông Khoa nhận định, mô hình lúa – bèo hoa dâu kết hợp thủy sản, vùi cạn sinh khối cuối vụ đem lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân. Lợi nhuận từ việc giảm phát thải không lớn và là mục tiêu phụ, tăng giá trị ở khía cạnh bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo TS. La Nguyễn (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa), một số điều kiện môi trường có thể gây hại cho bèo hoa dâu như nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp (bèo hoa dâu thường phát triển tốt trong nhiệt độ từ 20-30 độ C, nhiệt độ trên 35 độ C hoặc quá thấp dưới 10 độ C có thể làm giảm khả năng sinh trưởng hoặc chết); độ PH không phù hợp (bèo hoa dâu phát triển tốt nhất trong môi trường có độ PH từ 5,5-7,5); thiếu ánh sáng; các chất ô nhiễm, kim loại nặng, hóa chất độc hại trong nước có thể gây hại cho bèo hoa dâu… Do đó, cần hiểu rõ cơ chế về cách thức sản xuất, quan tâm phát triển cơ sở sản xuất giống bèo hoa dâu phục vụ cho sản xuất. Có thể chọn nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm hay sản xuất trong nhà theo quy mô công nghiệp…
Thúc đẩy mở rộng diện tích canh tác hữu cơ
Nhận thấy những lợi ích từ bèo hoa dâu, từ năm 2023 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã lồng ghép hướng dẫn ứng dụng bèo hoa dâu như một giải pháp giúp giảm chi phí phân bón cho các mô hình lúa hữu cơ, mô hình giảm phát thải khí nhà kính. Thạc sĩ Phạm Thị Thu, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Cạn cho biết, chị đã lồng ghép để tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích của bèo hoa dâu, cách nhân thả bèo hoa dâu cho gần 2.000 nông dân trong các buổi tập huấn. Trong đó, bà con lưu ý khi cấy cần thiết kế rãnh thoát nước trong ruộng để thuận lợi cho quá trình nhân nuôi bèo hoa dâu, chăm sóc và điều tiết nước.
Một số mô hình có hiệu quả tố và tiềm năng mở rộng như: Mô hình Lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá chép ruộng/ốc ruộng và thả bèo hoa dâu, hiện đã triển khai trong các mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng tại thôn Pác Phai, xã Thượng Giáo và thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương thuộc huyện Ba Bể, mỗi điểm 1ha; mô hình nuôi ốc nhồi đen bằng bèo hoa dâu tại thôn Bản Pồm, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn.
Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nuôi thả bèo hoa dâu vào các mô hình canh tác lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là chưa có định mức để xây dựng mô hình về bèo hoa dâu nên nội dung này chủ yếu lồng ghép vào các lớp tập huấn, mô hình. Dẫn đến diện tích ứng dụng còn ít, nhỏ lẻ; chưa đo được lượng khí nhà kính phát thải giảm khi ruộng lúa có bèo hoa dâu. Mặt khác, muốn nhân thả bèo thì phải quản lý được ốc bươu vàng, nhưng hiện chưa có thuốc sinh học hoặc thuốc thảo mộc trừ được ốc bươu vàng – bà Thu chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý ốc bươu vàng, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho biết, HTX vừa triển khai mô hình sản xuất lúa cấy máy, bèo hoa dâu trên quy mô 0,5 ha từ tháng 8 năm nay, dự kiến cuối năm sẽ thu hoạch. Sau khi làm đất và bắt ốc bươu vàng, HTX cho cấy lúa, giữ nước và thả bèo; chăm sóc theo quy trình tưới ướt khô xen kẽ và sử dụng ốc bươu vàng làm phân bón bổ sung. Dự kiến, căng suất lúa thu hoạch có thể đạt 500kg/0,5 ha, giảm 90% phân bón vô cơ và không dùng đến thuốc trừ cỏ, trừ ốc. Đây là cơ sở để nhân rộng 20ha trong vụ xuân 2025. Chi phí đầu tư bèo thấp, tốc độ nhân đôi số tiền đầu tư siêu nhanh (trong 2-3 ngày) do khả năng nhân sinh khối của bèo hoa dâu.
Những vùng sản xuất có ứng dụng của bèo hoa dâu có thể trở thành nguồn lúa gạo phát thải thấp, có khả năng cạnh tranh xuất khẩu với giá trị cao, đồng thời đem lại cơ hội giao dịch tín chỉ cacbon. Theo ông Hoàng, để đưa bèo hoa dâu vào sản xuất nông nghiệp bền vững quy mô lớn thì mỗi xã cần có 1 trung tâm nhân giống bèo quy mô 2-5ha. Hàng năm sản xuất và cung ứng cho thị trường tại chỗ từ 500 tấn bèo tươi trở lên. Đồng thời, có chính sách bổ sung bèo hoa dâu là phân bón hữu cơ cho trồng trọt, đặt hàng sản xuất phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
TS Phạm Gia Minh, Trung tâm Bèo hoa dâu Việt Nam-Azovi nhận định, việc nhân rộng bèo hoa dâu trong sản xuất vẫn đối mặt với nhiều nút thắt như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm bèo dâu bị tàn lụi; khả năng đảm bảo số lượng, chất lượng và kịp thời về mùa vụ của bèo dâu giống; ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong canh tác bèo hoa dâu; xây dựng các định mức trong trồng trọt và chăn nuôi có ứng dụng bèo hoa dâu… Cùng với giải pháp chính sách, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của các thế hệ nhà khoa học Việt Nam và thế giới gần đây về lợi ích của bèo hoa dâu, ngành nông nghiệp cần xây dựng chương trình khảo sát lại ở quy mô phù hợp để xác định tính thích hợp trong điều kiện của các vùng sản xuất. Ví dụ, ảnh hưởng của bèo dâu lên độ phì nhiêu của đất, vai trò cải tạo đất, năng suất cây trồng, khả năng giảm phát thải CH4, hấp thụ CO2, cung cấp dinh dưỡng thức ăn gia súc…
Song song đó, hiện tại, một số quốc gia đạt trình độ khoa học cao và quy mô ứng dụng bèo hoa dâu rộng lớn trong trồng trọt, chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất dược phẩm như Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan… sẽ là những địa chỉ để hợp tác, trao đổi. Ngoài ra, do bèo hoa dâu có năng lực hấp thụ mạnh CO2 (gấp 8 lần cây xanh) và giảm phát thải CH4 từ ruộng lúa (20-40%) nên xem xét ứng dụng bèo hoa dâu là một hướng hợp tác với các quỹ tài trợ chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ…
Khánh Ly- Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/beo-hoa-dau-ban-dong-hanh-voi-cay-lua-huu-co-giam-phat-thai-379121.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam