Công tác phân loại rác tại nguồn được Bạc Liêu quan tâm đẩy mạnh, đảm bảo đúng lộ trình theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp người dân địa phương nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn theo quy định hiện hành. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lữ Thanh Tùng (ảnh) – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu.
PV: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn. Tỉnh Bạc Liêu đã triển khai quy định này ra sao, thưa ông?
Ông Lữ Thanh Tùng:
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; đồng thời, xây dựng và thực hiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác quản lý, phân loại CTRSH tại nguồn đảm bảo lộ trình thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo đó, hàng năm, Sở TN&MT đều tham mưu UBND tỉnh Bạc Liêu xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn; đồng thời, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, huyện, thị xã, thành phố tổ chức trên 50 hội nghị, hội thảo tập huấn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường cho hàng ngàn lượt cán bộ, công chức phụ trách môi trường từ tỉnh đến cơ sở, hội viên, đoàn viên và người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu còn phối hợp với các hội đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện các mô hình thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn, ủ rác hữu cơ làm phân compost; hỗ trợ gần 6.850 thùng ủ rác và phân loại rác cho các hộ dân, nhất là các hộ tại các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu nhằm khuyến khích người dân từng bước thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, tái sử dụng chất thải nhựa và hạn chế sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy.
Thông qua dự án xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn phù hợp với đặc điểm từng vùng miền và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại CTRSH, hạn chế sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy do Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường – Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường triển khai thực hiện trên địa bàn, tỉnh đã hỗ trợ thêm 3.750 thùng 3 ngăn phân loại CTRSH tại nguồn và hơn 900 thùng ủ rác hữu cơ thành phân combost và men vi sinh cho người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.
Hiện tại, Sở TN&MT đang tham mưu UBND tỉnh Bạc Liêu thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình phân loại rác thải trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bạc Liêu sẽ tập trung triển khai hướng dẫn cụ thể cách thức phân loại rác, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn để các địa phương tham khảo, cũng như nhân rộng mô hình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hướng tới lộ trình phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
PV: Ông có thể chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai quy định phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Ông Lữ Thanh Tùng:
Trong thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh Bạc Liêu và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, nên công tác triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả. Cụ thể, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương đối với công tác phân loại CTRSH tại nguồn được nâng cao và có sự quan tâm chỉ đạo bằng các giải pháp đồng bộ, thống nhất; đồng thời thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, đặc biệt, từng bước hình thành ý thức trong việc phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai việc thu gom, phân loại, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đơn cử theo khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND cấp tỉnh quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, nhưng đến nay chưa có quy định về định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Do đó, hiện nay, Sở TN&MT chưa thể tham mưu UBND tỉnh đề xuất giá xử lý rác thải.
Cạnh đó, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc phân loại CTRSH tại nguồn phải thực hiện trước ngày 31/12/2024, việc này cũng đang gây khó khăn do cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường tại một số huyện, thị xã, thành phố còn thiếu và còn yếu, có huyện không có cán bộ có chuyên môn về môi trường hoặc có nhưng kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau dẫn đến công tác tham mưu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung về công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH nói riêng hiệu quả chưa cao; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ nên xe thu gom rác không thể vào thu gom được dẫn đến tỷ lệ thu gom CTRSH tại khu vực nông thôn vẫn còn thấp. Tỉnh Bạc Liêu hiện chưa có nhà máy xử lý rác thải tập trung đáp ứng việc xử lý rác thải sau khi được phân loại tại nguồn; chưa xã hội hóa được nguồn lực làm công tác thu gom, xử lý rác thải, nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý CTRSH trên địa bàn.
PV: Thời gian tới, để kịp thời khắc phục các khó khăn nêu trên, Sở TN&MT có đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?
Ông Lữ Thanh Tùng:
Thời gian tới, để triển khai hiệu quả công tác phân loại CTRSH tại nguồn, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT sẽ đề xuất UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kêu gọi đầu tư, xã hội hóa công tác thu gom, xử lý CTRSH; khẩn trương đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi; bố trí cán bộ chuyên môn về môi trường để tham mưu thực hiện quản lý về bảo vệ môi trường nói chung và phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH nói riêng; bổ sung trang thiết bị để tăng cường năng lực thu gom, xử lý CTRSH; đầu tư các điểm tập kết, trạm trung chuyển và mở rộng tuyến, tăng tần suất thu gom rác và tăng cường xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi.
“Để thực hiện tốt công tác quản lý CTRSH nói chung và phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH nói riêng, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại CTRSH theo quy định; nhân rộng các mô hình phân loại CTRSH tại nguồn; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc phân loại CTRSH tại nguồn để trình UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành”.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dụng theo Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 01/7/2022 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc ban hành Quy định quản lý chất thải rắn và Quyết định số 530/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Song song đó, Sở TN&MT cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để tỉnh Bạc Liêu làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đảm bảo theo quy định; đồng thời, hướng dẫn cách áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đối với các địa phương chưa đáp ứng các điều kiện để tiến hành phân loại CTRSH tại nguồn; hỗ trợ, hướng dẫn ứng dụng các công nghệ xử lý CTRSH đạt hiệu quả cao cho địa phương áp dụng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Hùng (thực hiện) – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bac-lieu-day-manh-cong-tac-phan-loai-rac-tai-nguon-377233.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam