Thời gian qua tại Thừa Thiên – Huế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, người dân nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng đã có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững. Để rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Hoài Tuấn – Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên – Huế.
PV: Xin ông cho biết tình hình chi trả DVMTR trên địa bàn đang được thực hiện như thế nào?
Ông Lê Đình Hoài Tuấn: Sau hơn 12 năm tổ chức hoạt động và thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế và thực tiễn ở Việt Nam cũng như trên địa bàn tỉnh, được các bên liên quan tích cực thực hiện, tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội trong việc huy động nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng và thúc đẩy công cuộc xã hội hóa nghề rừng gắn với việc xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi của tỉnh.
Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện nhiệm vụ ủy thác chi trả DVMTR liên quan đến huy động nguồn tiền DVMTR phải trả từ các cơ sở thủy điện: 13 nhà máy thủy điện nội tỉnh; 6 nhà máy thủy điện liên tỉnh; 2 nhà máy nước sạch; chi trả tiền DVMTR cho 10 chủ rừng là tổ chức; 4 Hạt Kiểm lâm phối hợp UBND các xã được giao quản lý rừng, 610 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình, tập trung ở các huyện, thị có diện tích rừng lớn như: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc và Hương Trà.
Trong nhiều năm qua, để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng cũng như giám sát kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ đã tăng cường triển khai và tích cực hợp tác với các tổ chức, trung tâm, chương trình, dự án (WWF, IFPES, TBI, PanNature, UNDP/GEF SGP, USAID, BCC…) để tập huấn, hội thảo, đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng sử dụng các ứng dụng tích hợp vào thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh phục vụ quá trình tuần tra bảo vệ rừng và giám sát, đánh giá chi trả DVMTR.
PV: Vậy thời gian qua, việc chi trả DVMTR đã giúp đời sống của người dân phát triển ra sao?
Ông Lê Đình Hoài Tuấn: Từ năm 2011 đến 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi gần 400 tỷ đồng tiền DVMTR; chi cho gần 600 chủ rừng tổ chức, cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình; tổng diện tích rừng được chi trả gần 160.000 ha rừng/283.000 ha rừng của tỉnh (chiếm hơn 54 %). Các Ban quản lý rừng phòng hộ đã ký hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với 12 cộng đồng thôn, 38 nhóm hộ và 43 hộ gia đình, cá nhân; trong đó số lượng thành viên tham gia là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 89% (831/931 hộ gia đình, cá nhân).
Chính sách chi trả DVMTR ra đời đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa; thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chính sách chi trả DVMTR góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng, cải thiện môi trường sống từ đó tác động đến hành động cụ thể của người dân trong việc bảo vệ hệ sinh thái, giữ gìn bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến môi trường. Thêm vào đó, chính sách góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng và đảm bảo an sinh xã hội của người làm nghề rừng, gia tăng đóng góp của nghành lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc dân, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước góp phần đầu tư ổn định lâu dài và tiến tới xã hội hóa nghề rừng.
Mới đây, Thừa Thiên – Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ được chi trả thí điểm giảm phát thải khí nhà kính (ERPA). Tổng diện tích rừng được chi trả ở tỉnh là hơn 200.000 ha rừng (100 % diện tích rừng tự nhiên được chi trả), chiếm hơn 75 % diện tích rừng toàn tỉnh, với số tiền quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh trong 3 năm (2023 – 2025) là khoảng 5,609 triệu USD (tương đương 131 tỷ đồng). Đến thời điểm 6/5/2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tiến hành chi trả tiền ERPA cho các đối tượng hưởng lợi là 35.330.853.000 đồng (đạt trên 98,82 % so với kế hoạch).
Có thể nói, niềm vui được nhân lên khi cộng đồng được tiếp sức thêm một nguồn tài chính mới, tăng thêm trong nguồn thu chi trả DVMTR của cộng đồng. Nguồn tiền chi trả ERPA tạo thêm động lực cho lực lượng bảo vệ rừng, đem đến lợi ích, trách nhiệm gắn kết giữa đối tượng hưởng lợi và các bên liên quan tạo ra một nguồn tài chính ngoài ngân sách, giúp cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả, đồng thời tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
PV: Những khó khăn nào đang tồn tại và thời gian tới, tỉnh sẽ có các phương hướng, kế hoạch ra sao để duy trì chính sách này?
Ông Lê Đình Hoài Tuấn: Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, giúp đời sống người dân được nâng lên, tuy nhiên sự hiểu biết của các chủ rừng về chính sách chi trả DVMTR chưa đồng đều, đặc biệt là các chủ rừng là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng nơi vùng sâu vùng xa, địa bàn hiểm trở. Mặt khác, các năm gần đây tình hình dịch bệnh thiên tai xảy ra đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác hằng năm; rà soát các nguồn thu tiền DVMTR và nghiên cứu đề xuất các đối tượng thu khác để ký kết hợp đồng ủy thác, nhằm gia tăng nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đổi mới các hoạt động truyền thông về chi trả DVMTR, nhằm nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng; tất cả với mong muốn sẽ giúp người dân nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Văn Dinh (thực hiện) – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thua-thien-hue-phat-trien-kinh-te-nho-dich-vu-moi-truong-rung-375362.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam