Mo cau vốn là phế phẩm nông nghiệp, tuy nhiên anh Nguyễn Văn Tuyến (Quảng Ngãi) đã “biến tấu” thành các sản phẩm hữu dụng như chén, dĩa… xuất ngoại sang Hàn Quốc, Canada, Ba Lan, Mỹ… mang về nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phường vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Tạo giá trị mới cho mo cau
Về huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, chỉ cần hỏi “Tuyến mo cau” ai cũng biết bởi anh không chỉ nổi tiếng với câu chuyện “hô biến” mo cau mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là người lớn tuổi, mất khả năng lao động ở quê.
Anh Nguyễn Văn Tuyến (quê gốc ở Phú Yên) chia sẻ, anh vốn là một người đam mê các sản phẩm thân thiện với môi trường nên sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tại nhưng lại không theo nghề mà rẽ sang thu mua, chế biến và xuất khẩu những phế phẩm nông nghiệp. Tại đây anh cùng nhóm bạn thành lập công ty thu gom cùi bắp, bã mía, lá xoài khô… và biến tất cả thành hàng xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài để làm giá thể sản xuất nông nghiệp.
Năm 2019, tình cờ dừng chân ở Quảng Ngãi, anh Nguyễn Văn Tuyến đã choáng ngợp trước số lượng cau ở vùng đất này. Thời điểm này, người dân chỉ thu hoạch trái cau để bán. Riêng mo cau rơi rụng khắp nơi, họ chỉ xem đó là vật phế phẩm đem đốt hoặc bỏ đi. Đúng lúc ấy, anh đã tìm hiểu trên mạng và tiếp cận được các thông tin về sản phẩm làm từ mo cau ở Ấn Độ. Ngay lập tức, trong đầu anh liên tưởng sẽ biến mo cau ở đây thành những đồ dùng hữu ích.
Cuối năm 2019, anh bắt đầu nhập máy móc từ Ấn Độ về lắp ráp, mở xưởng thu mua mo cau để làm chén, đĩa, khay đựng thức ăn… tại huyện Nghĩa Hành – một trong những vùng trồng cau lớn nhất Quảng Ngãi.
Mo cau sau khi thu gom được chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, để ráo và đưa vào khuôn ép nhiệt tạo hình. Tùy vào yêu cầu của khách hàng, cơ sở chế tạo các loại khuôn ép khác nhau. Do đó, sản phẩm được ép ra sẽ có hình dáng đa dạng, có thể in được hình ảnh lên sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
Theo anh Tuyến, các sản phẩm này đủ độ chắc và không thấm nước, khử khuẩn, đóng gói trong bao nylon ép nhiệt, có thể đựng thức ăn, trái cây, mắm, muối, gia vị… Bên cạnh đó, giá lại rẻ chỉ từ 1.000 – 3.000 đồng/cái và có thể tái sử dụng, nên khi sử dụng người dân có thể giảm bớt sử dụng tô nhựa, ly nhựa, hộp xốp hiện đang là vấn nạn đối với môi trường hiện nay.
Tạo việc làm ổn định cho người dân
Năm 2020, anh Tuyến đã đưa các sản phẩm của mình đến triển lãm ở các hội chợ để giới thiệu sản phẩm. Rất nhanh, sản phẩm độc đáo từ mo cau đã tạo được tiếng vang với nhiều đơn hàng. Đơn hàng đầu tiên khẳng định sự thành công của sản phẩm chén, đĩa mo cau đến từ một hãng hàng không lớn. Đơn vị này đã đặt hàng nghìn sản phẩm để phục vụ cho hành khách ở khoang thương gia.
Thành công nối tiếp thành công, những đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Ba Lan, Hà Lan… liên tiếp được ký kết. Do đó, lượng hàng xuất khẩu chiếm đến 90%, giúp cơ sở sản xuất có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hiện cơ sở sản xuất của anh có 9 máy ép, mỗi máy có 5 khuôn. Trung bình mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 sản phẩm chén, đĩa, khay ăn… bằng mo cau, tạo công ăn việc làm liên tục cho 15 lao động, với thu nhập từ 200.000 – 250.000 đồng/ngày.
Bên cạnh công việc ở xưởng sản xuất sản phẩm từ mo cau, người dân trồng cau ở Quảng Ngãi còn có thêm công việc mà trước giờ họ chưa từng nghĩ tới, đó là nhặt mo cau bán lấy tiền. Mỗi chiếc mo cau được anh Nguyễn Văn Tuyến thu mua với giá 1.000 đồng. Ước tính, 1 ha cau sẽ có khoảng 12.500 chiếc mo/năm. Nếu anh Tuyến thu mua mo cau với giá 1.000 đồng/chiếc, người dân sẽ “bỏ túi” 12,5 triệu đồng/ha. Điều này giúp bà con có thêm nguồn thu nhập kha khá ngoài việc bán quả cau.
Bà Nguyễn Thị Qúy ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành cho biết, từ ngày có xưởng sản xuất sản xuất mo cau, bà con có thêm nghề thu nhặt mo cau mang bán. Ai cũng mừng vì có thêm nguồn thu ngập góp thêm tiền đi chợ hàng ngày.
Anh Nguyễn Văn Tuyến, chia sẻ: “Trước đây cây cau chỉ có giá trị ở phần trái, giờ đến mo cau. Riêng những ý tưởng tăng giá trị cho tất cả phần khác của cây cau, chúng tôi sẽ hiện thực hóa, để bà con trồng cau, tận thu từ gốc đến ngọn”.
Lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, lâu nay mo cau hầu như không mang lại giá trị kinh tế. Nay nhờ cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Tuyến mà người dân vừa có thêm việc làm, thu nhập. Các sản phẩm từ mo cau khá độc đáo, vừa an toàn cho người sử dụng vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đây được xem là hướng đi mới, đầy triển vọng ở địa phương.
Lan Anh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-ngai-tao-cong-an-viec-lam-tu-phe-pham-nong-nghiep-374439.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam