Môi trường bị ô nhiễm
Toàn tỉnh có chiều dài bờ biển 130km. Sau mỗi mùa mưa, bờ biển lại phủ kín bởi các loại rác thải, từ chai nhựa, túi ni lông đến xác gia cầm, vật dụng sinh hoạt hoặc ngư lưới cụ bị hư hỏng… Bà Nguyễn Thị Sinh, ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, rác thải cộng với chất thải từ các hoạt động đánh bắt, buôn bán hải sản khiến bờ biển đầy rác nên hôi thối, mất vệ sinh. Cứ sau mùa mưa bão, các cơ quan, đơn vị, đội, nhóm tình nguyện và người dân lại ra quân thu gom rác ở bãi biển. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, bãi biển lại ngập rác. “Người dân ở đây không vứt rác ra biển, mà tự giác thu gom xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, rác từ các nơi tập kết về đây gây ô nhiễm. Mỗi người cần phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ sạch bãi biển”, bà Sinh nói.
Các lực lượng tham gia thu gom rác ở khu vực biển. |
Tại kè chắn sóng bờ biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), tình trạng ô nhiễm môi trường khiến nhiều người bức xúc. Bí thư Đảng ủy phường Phổ Thạnh Nguyễn Thịnh cho biết, vì không có nơi thu gom xử lý rác tập trung nên một bộ phận người dân vứt rác ra biển, hoặc cạnh khu vực kè chắn sóng. Chính quyền địa phương huy động người dân và các lực lượng thường xuyên ra quân thu gom, xử lý rác thải ở khu vực này, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, không vứt rác thải bừa bãi. Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ trong việc thu gom, xử lý rác thải.
Kết quả khảo sát của Sở TN&MT cho thấy, trên địa bàn tỉnh có gần 50% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sử dụng phương pháp chôn lấp. Tỷ lệ thu gom rác thải đô thị tăng, nhưng vẫn chưa đảm bảo được công suất xử lý hằng ngày. Mỗi xã có từ 1 bãi chôn lấp hoặc điểm tập kết rác tự phát tại các khu đất trống trở lên, nhưng hầu hết là bãi hở, không hợp vệ sinh, dẫn đến phát tán mùi hôi và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.
Hành động của chúng ta
Theo Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tổng khối lượng rác thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 418 nghìn tấn/năm và gần 470 tấn/năm vào năm 2030, đó là chưa kể một lượng lớn lượng rác thải công nghiệp, y tế, nông nghiệp… Do đó, một trong những giải pháp căn cơ chính là thay đổi thói quen tiêu dùng, gắn với thực thi nhiều chính sách khuyến khích nhằm đẩy mạnh việc tái sử dụng và tạo ra các vật liệu thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc có thể phân hủy sinh học.
Hội LHPN, Phòng TN&MT huyện Mộ Đức tặng giỏ phân loại rác cho người dân thôn 3, xã Đức Chánh (Mộ Đức). Ảnh: TL |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chỉ đạo, ngành TN&MT và chính quyền các địa phương cần xây dựng kế hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt phù hợp, đảm bảo ít nhất 60% số hộ dân ở khu vực đô thị thực hiện các giải pháp phân loại rác thải tại nguồn. Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao hiệu quả chương trình “Chống rác thải nhựa”, đảm bảo 100% túi ni lông thân thiện với môi trường được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn, vừa giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường, vừa biến rác thải nhựa thành những nguồn tài nguyên quý giá quay trở lại phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.
Bài, ảnh: THANH PHONG – Báo Quảng Ngãi
Link nguồn: https://baoquangngai.vn/xa-hoi/202404/chung-tay-bao-ve-moi-truong-6a61916/
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam