Ngăn chặn nguồn ô nhiễm không khí

94 lượt xem Sống ++

Những ngày qua, khu vực Hà Nội luôn xuất hiện tình trạng sương mù. Trong điều kiện thời tiết đó, kết quả phân tích từ các trạm quan trắc cho thấy, chỉ số chất lượng không khí nhiều nơi ở mức cảnh báo xấu, rất xấu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.

Theo các chuyên gia, giải pháp hữu hiệu và mang tính lâu dài là Hà Nội cùng các địa phương cần quyết liệt ngăn chặn nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.

Nguồn phát thải từ hoạt động giao thông chiếm 58-74% nguyên nhân ô nhiễm cục bộ khu vực nội thành Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Những nguồn gây ô nhiễm chính

Số liệu tổng hợp lúc 9h ngày 9-3 từ 35 trạm quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội cho thấy, có 8 khu vực chất lượng không khí ở mức kém và xấu, chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động từ 108 đến 160, còn lại ở mức trung bình.

Tương tự, số liệu tại Cổng thông tin quan trắc môi trường miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và mạng lưới quan trắc chất lượng không khí PAM Air đều ghi nhận nhiều khu vực ở Hà Nội trong những ngày qua chất lượng không khí ở ngưỡng xấu (AQI từ 151 đến 200) – mức nguy hiểm đến sức khỏe người già, trẻ nhỏ và những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Theo Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Đào Thị Anh Điệp, hiện nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng 2 lần Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) 05:2013/BTNMT (25µg/m3). Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn QCVN từ 1,3 đến 1,6 lần. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc trong năm… Đặc biệt, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt QCVN và khu vực nội thành có nồng độ bụi cao hơn ngoại thành.

Ngoài ra, kết quả quan trắc đối với một số chất gây ô nhiễm không khí gồm: NO2, SO2, CO và O3 cho thấy, NO2 và O3 có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ tại nơi tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp, những tuyến đường có mật độ giao thông lớn. Theo đó, nguồn phát thải từ hoạt động giao thông chiếm 58-74%, công nghiệp 14-23% và nông nghiệp 3,4-18,9%…

Vận hành Trạm quan trắc chất lượng không khí tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Minh Quân

Một số chuyên gia môi trường cho rằng, thành phố Hà Nội còn chịu tác động của 41% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải bên ngoài lan truyền vào. Bên cạnh đó, chất lượng không khí ở Hà Nội có sự thay đổi theo mùa và phụ thuộc thời tiết. Cụ thể, vào mùa đông (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau), vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Khi đó, các nguồn thải bị lưu giữ ở gần mặt đất, gây ra ô nhiễm không khí.

Do vậy, nếu không có các biện pháp giảm ô nhiễm hiệu quả, chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc sẽ tiếp tục suy giảm.

Đâu là giải pháp hữu hiệu?

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách, đề án hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí và đạt một số kết quả. Đến nay, toàn thành phố đã xóa được 99% số lượng bếp than tổ ong và giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành; thu gom, vận chuyển rác thải khu vực đô thị hằng ngày đạt trên 99%, khu vực ngoại thành đạt 95%; đưa nhà máy đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày tại huyện Sóc Sơn đi vào hoạt động…

Song, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng cho rằng, mặc dù đạt kết quả đáng ghi nhận, nhưng một số giải pháp vẫn chưa giúp giải quyết đến cùng vấn đề. Chẳng hạn, kế hoạch cấm đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành chưa đưa ra được con số rõ ràng; chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy mới mang tính chất thí điểm… Do vậy, Hà Nội cần có công trình nghiên cứu chuyên sâu, bài bản để đặt ra mục tiêu giảm nguồn phát thải theo lộ trình, cụ thể trong 5 năm giảm bao nhiêu, 10 năm giảm bao nhiêu…

Còn theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, khi xác định được căn nguyên nguồn gây ô nhiễm không khí, Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận cùng giải quyết, chứ một mình thành phố làm không xuể…

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, đầu tháng 3-2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Theo đó, thành phố giao các sở, ngành kiểm kê, lượng hóa các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí để xử lý.

Đồng thời, thành phố sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách quản lý, phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện môi trường; đầu tư phát triển giao thông công cộng; xây dựng cơ chế, chính sách về kiểm định, kiểm soát khí thải từ phương tiện cơ giới đang lưu hành, đặc biệt là xe máy…

Trong sản xuất công nghiệp, thành phố tái cấu trúc kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu tốn ít năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn theo Tiêu chuẩn quốc gia ISO 14001; lập kế hoạch chuyển đổi ngành nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi làng nghề…

Hoàng Sơn – Hà Nội mới

Link nguồn: https://hanoimoi.vn/ngan-chan-nguon-o-nhiem-khong-khi-660485.html

Tin cùng chuyên mục: